Liên kết website

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy công tác hòa giải ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn

19/07/2022

Với tinh thần xuống tận cơ sở làm việc để nắm bắt thực tiễn từ cơ sở, từ đó hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp thúc đẩy công tác hòa giải ở cơ sở, chiều ngày 13/7/2022, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm “Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở” trên địa bàn phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì Tọa đàm. Tham dự có đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình; đồng chí Vũ Đình Chiến, Phó Chủ tịch thường trực thành phố Tam Điệp; đồng chí Bùi Ngọc Kiên, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Tam Điệp; đồng chí Phạm Hoài Nam, Bí thư Đảng ủy Phường Trung Sơn; đồng chí Đặng Văn Khương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trung Sơn; đồng chí Vũ Thúy Nga, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trung Sơn và công chức tư pháp hộ tịch, đại diện các tổ chức đoàn thể trên địa bàn Phường (như Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh...), một số tổ trưởng tổ hòa giải ở cơ sở.
Báo cáo tham luận tại Tọa đàm, đồng chí Đặng Văn Khương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trung Sơn cho biết: Đảng ủy, Ủy ban nhân dân Phường Trung Sơn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, chi bộ, tổ dân phố, tổ hòa giải thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đến đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hòa giải và Nhân dân trên địa bàn; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, như: Kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên; vận động các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở; vận động các tổ chức, cá nhân sử dụng biện pháp hòa giải ở cơ sở để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư... Ủy ban nhân dân phường Trung Sơn đã ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cưo sở, xây dựng và thực hiện quy ước của khu dân cư theo giai đoạn và hàng năm, trong đó giao nhiệm vụ cho các bộ phận và khu dân cư nghiêm túc quán triệt, thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; công tác kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên được quan tâm thường xuyên. Đến nay, toàn Phường có 21/21 khu dân cư có tổ hòa giải ở cơ sở với 124 hòa giải viên.  Thành phần Tổ hòa giải có Bí thư, Chi hội trưởng các hội đoàn thể (như Hội Phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh...). 100% các tổ hòa giải được Ủy ban nhân dân phường cấp Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở để ghi chép, theo dõi, lưu giữ thông tin các vụ, việc hòa giải. Hòa giải viên trên địa bàn Phường cũng được Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình, phòng Tư pháp huyện Tam Điệp thực hiện bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải ở cơ sở.... Từ năm 2019 đế hết 06 tháng đầu năm 2022, các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải 26 vụ, việc, trong đó hòa giải thành 25 vụ việc (tỷ lệ hòa giải thành đạt 96,1%). Công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Phường cũng gặp một số khó khăn: Việc phối hợp giữa các ngành trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế; số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhiều nên hòa giải viên rất hạn chế trong việc cập nhật; năng lực của hòa giải viên còn hạn chế (còn chưa xác định được phạm vi hòa giải ở cơ sở...).

Các đại biểu tham dự Tọa đàm nhất trí với báo cáo tham luận của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trung Sơn, đồng thời đại biểu cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phường như sau: Công chức tư pháp hộ tịch phải đảm nhiệm nhiều công việc nên chưa dành nhiều thời gian cho công tác hòa giải ở cơ sở; người dân ít sử dụng biện pháp hòa giải trong giải quyết tranh chấp; kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở còn eo hẹp, hòa giải viên chưa được nhận thù lao vụ, việc hòa giải; nhiều hòa giải viên là người cao tuổi, lại thường xuyên thay đổi nên việc cập nhật kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải gặp khó khăn; chưa tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng về hòa giải ở cơ sở...

Đại diện Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình đã trao đổi, giải đáp các vướng mắc của địa phương để hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đề nghị địa phương quan tâm thực hiện một số vấn đề sau:

- Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình tổng kết việc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022” ban hành tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở kết quả tổng kết, nếu xét thấy cần thiết thì tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án về nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp, công chức tư pháp – hộ tịch triển khai công tác hòa giải ở cơ sở hàng năm; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện và hòa giải viên ở cơ sở.

- Ủy ban nhân dân thành phố Tam Điệp quan tâm bố trí kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở cho Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn thành phố (trong đó có phường Trung Sơn). Chỉ đạo Phòng Tư pháp thành phố Tam Điệp thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn Phường; phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố Tam Điệp bồi dưỡng, trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên.

- Ủy ban nhân dân phường Trung Sơn thực hiện sát sao chỉ đạo của cấp trên; việc kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên trên địa bàn phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện tại Điều 7 của Luật Hòa giải ở cơ sở, không chỉ định người đứng đầu các tổ chức đoàn thể làm hòa giải viên; khi nguồn lực eo hẹp có thể đề nghị Phòng Tư pháp thành phố Tam Điệp, Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình hoặc Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho hòa giải viên; phải tiến hành sơ kết, tổng kết, kiểm tra việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; tiến hành khen thưởng, biểu dương các tổ hòa giải và hòa giải viên trên địa bàn để động viên, khích lệ họ.

Đồng chí Lê Vệ Quốc cũng thông tin, trong năm 2023 sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, trên cơ sở đó Bộ Tư pháp sẽ tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội các giải pháp hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những bất cập của công tác này.

Đánh giá cao vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở đối với việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tăng cường khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, lãnh đạo địa phương cam kết sẽ thực hiện nghiêm có hiệu quả những đề nghị của đồng chí Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và mong muốn tiếp tục được Vụ quan tâm, hỗ trợ địa phương trong thời gian tiếp theo./.
Nguyễn Thị Quế
Các tin đã đưa ngày: