Đội ngũ cán bộ quản lý về công tác PBGDPL
Thực hiện yêu cầu của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cử 01 Thứ trưởng tham gia Ủy viên Hội đồng phối hợp PBGDL Trung ương.
Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo trực tiếp công tác PBGDPL của Bộ; tại các cơ quan, đơn vị trong bộ đều có các phòng ban hay cán bộ được phân công thực hiện PBGDPL như: phòng pháp chế, phòng tuyên truyền, phòng chính sách,…
Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật
Tính đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã được công nhận 131 báo cáo viên pháp luật tại các Quyết định số 1263/QĐ-BTP ngày 26/7/2011, Quyết định số 05/QĐ-BTP ngày 03/01/2017, Quyết định số 1608/QĐ-BTP ngày 05/10/2017 của Bộ Tư pháp về việc công nhận báo cáo viên pháp luật Trung ương. Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông không bổ sung đội ngũ báo cáo viên pháp luật, mà chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên hiện có. Bộ đã quan tâm rà soát, phân loại và định hướng nội dung PBGDPL thường xuyên cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật; đảm bảo chất lượng các báo cáo viên pháp luật về kỹ năng chuyên ngành và cập nhật các kiến thức pháp luật mới có liên quan.
Về chất lượng đội ngũ nhân lực tham gia công tác PBGDPL: Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên rà soát, đảm bảo năng lực, trình độ, có khả năng, kỹ năng tuyền truyền, phổ biến về chính sách và pháp luật.
Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Luật PBGDPL
Bộ đã ban hành Kế hoạch đã đề ra tại Quyết định số 2091/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ TTTT về ban hành Kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, khảo sát phục vụ xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật liên quan tới lĩnh vực thông tin và truyền thông năm 2022, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc triển khai có hiệu quả Kế hoạch này, thể hiện việc quán triệt Luật phổ biến, giáo dục pháp luật trên thực tế, bằng những hoạt động cụ thể theo hướng dẫn của Hội đồng phổ biến pháp luật Trung ương và của Bộ Tư pháp.
Tổ chức triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2022
Thực hiện đề nghị phối hợp truyền thông hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn đến các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhắn tin đến các thuê bao viễn thông với nội dung: “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09/11, toàn dân nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo Hiến pháp và pháp luật”.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai nhiều hoạt động để chào mừng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, cụ thể như sau: Treo băng rôn tại trụ sở Bộ, chạy chữ và hình ảnh trên bảng điện tử khẩu hiệu chào mừng ngày Pháp luật tại trụ sở của Bộ và trên Trang thông tin điện tử của Bộ; tổ chức các hội nghị, tọa đàm chuyên đề chính sách pháp luật lồng ghép hoạt động chao mừng, hưởng ứng ngày pháp luật …
Tổ chức hội thảo, hội nghị, triển lãm, tọa đàm
Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành tổ chức gần 70 cuộc hội thảo, hội nghị, triển lãm, tọa đàm phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là các lĩnh vực chuyên ngành của Bộ và các văn bản QPPL chung liên quan đến quyền và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Tổ chức tuyên truyền PBGDPL theo hình thức cuộc thi, hội thi, triển lãm, sân khấu hóa:
Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức, phát động nhiều cuộc thi, hội thi, triển lãm, cụ thể:
- Phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2022”, “Học sinh với an toàn thông tin 2022”.
- Chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia - Viet Solutions” năm 2022. Từ năm 2022, cuộc thi có sự tham gia bảo trợ truyền thông của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Báo VietNamNet, Báo Vnexpress và Tạp chí TT&TT.
- Phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2022.
- Tổ chức Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia - Viet Solutions” năm 2022.
Duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật và giải đáp về chính sách, pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực thông tin và truyền thông:
- Tiến hành duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật tại trang thông tin điện tử của Bộ (trang tin điện tử: mic.gov.vn) tại mục Văn bản quản lý và văn bản QPPL; cập nhật thường niên văn bản QPPL trên cổng pháp điện điện tử quốc gia, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác rà soát, tra cứu, góp phần đưa văn bản QPPL vào đời sống;
- Tiếp nhận, giải đáp về chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động doanh nghiệp và người dân qua hình thức trả lời điện thoại, tại các chuyên mục trên công thông tin điện tử của Bộ tại các mục: “Trả lời kiến nghị”, “Trao đổi hỏi đáp”;
- Thực hiện tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật về thông tin và truyền thông: cán bộ công chức xem xét, giải quyết thắc mắc, trả lời câu hỏi của các tổ chức, cá nhân bằng các hình thức email, trực tiếp, qua điện thoại, qua hệ thống hỏi đáp trên cổng thông tin điện tử của Bộ; cung cấp các quy định của pháp luật, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, trình tự, thời gian… liên quan đến quy trình sản xuất phần mềm đăng trên cổng thông tin điện tử Makeinvietnam.mic.gov.vn;
- Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Google cho ra mắt website DauhieuLuadao.com (Dấu hiệu Lừa đảo) nhằm nâng cao nhận thức về lừa đảo trực tuyến.
Biên soạn các tài liệu, bài viết phục vụ công tác PBGDPL:
- Xây dựng đề cương tài liệu phổ biến pháp luật chung và chuyên ngành thông tin và truyền thông;
- Xây dựng và biên soạn bài viết đăng tải trên Chuyên mục Chính sách pháp luật về thông tin và truyền thông trên Trang thông tin điện tử của Bộ (gần 140 bài viết về pháp luật chung, pháp luật chuyên ngành và nghiệp vụ pháp chế).
Thực hiện PBPL qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông
- Về thực hiện nhiệm vụ của Trưởng Tiểu ban truyền thông thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra được thành lập theo Quyết định Quyết định 80/QĐ-BCĐQG, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin kịp thời về các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên các lĩnh vực: (1) Báo chí, truyền thông; (2) Về thông tin cơ sở; (3) Về viễn thông; (4) Về triển khai công nghệ phòng, chống dịch…
- Triển khai Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027": Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức-Hành động-Nguồn lực" kết nối đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị nhằm thảo luận, trao đổi về nội hàm, phương thức và thống nhất nhận thức, hành động; có các giải pháp khả thi, cụ thể để nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông chính sách thời gian tới; Bộ cũng đã phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan tổ chức có liên quan thực hiện nhiều tọa đạm, trao đổi chính sách pháp luật dự kiến xây dựng tại các dự thảo Luật mà Bộ được giao chủ trì, xây dựng: Luật Tần số vô tuyến điện (sửa đổi bổ sung một số điều); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Viễn thông, Luật công nghiệp Công nghệ số. Đây là hoạt động rất hiệu quả, được thực hiện ở cả 3 miền bắc, trung, nam với nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau (cơ quan, tổ chức, danh nghiệp, chuyên gia) để tham vấn, lắng nghe các phản biện xã hội về chính sách pháp luật, từ đó góp phần hoàn thiện dự thảo văn bản QPPl có tính khả thi, đi vào cuộc sống;
- Về triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) tại các địa phương: Tổ CNSCĐ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nắm bắt được quy định chính sách về chuyển đổi số, biết sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực. Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thành lập 06 nhóm Zalo để hằng ngày đôn đốc, giải đáp thường xuyên những khó khăn, vướng mắc và chia sẻ những địa phương làm tốt về công tác triển khai Tổ CNSCĐ của đầu mối 63 tỉnh, thành phố của Sở Thông tin và Truyền thông. Trên cơ sở thực tế triển khai, Bộ đã ban hành một số văn bản để triển khai Tổ CNSCĐ tại các địa phương, tổ chức các hoạt động phổ biến, bồi dưỡng kiến thức, tập huấn, tuyên truyền, tổ chức các khóa học trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) để Tổ CNSCĐ triển khai tại các địa phương.
- Với vai trò là cơ quan chủ trì tổ chức triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Chương trình bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số năm 2022 cho lãnh đạo, cán bộ của đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành, địa phương kết hợp trao đổi, phổ cập thông tin chính sách, pháp luật mới được ban hành liên quan đến công nghệ thông tin, giao dịch điện tử và chuyển đổi số;
- Phối hợp vớ Google châu Á - Thái Bình Dương đồng tổ chức chương trình đào tạo Chuyển đổi số báo chí năm 2022 (Vietnam GNI 2022) diễn ra từ tháng 9 đến 11-2022 với sự tham gia của hơn 500 nhà báo thuộc 182 cơ quan báo chí trên cả nước;
- Ngoài ra, thực hiện quản lý nhà nước trong công tác thông tin và truyền thông, Bộ đã tiến hành lồng ghép việc tuyên truyền PBDGPL qua các hoạt động của Bộ như: giao ban báo chí, tổ chức hội nghị thông tin cho báo chí về nhân quyền và thông tin đối ngoại hàng tháng, tổ chức thông tin cho các đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử và các tổ chức cung cấp thông tin; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, …; chỉ đạo các cơ quan báo chí trực thuộc Bộ có những bài viết, bản tin nhằm tuyên truyền chính sách pháp luật trên các báo điện tử, báo in…
Kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác PBGDPL
Thực hiện yêu cầu của Bộ Tư pháp về việc xây dựng Báo cáo Tổng kết thực hiện 10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và gửi báo cáo kèm theo công văn số 5609/BC-BTTTT ngày 16/11/2022. Trên cơ sở đó tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm để xây dựng và thực hiện kế hoạch PBGDPL năm 2023 được hiệu quả hơn.
Khó khăn, tồn tại, hạn chế:
- Đối tượng được quản lý đa dạng, với trình độ hiểu biết pháp luật khác nhau, đối tượng cần được tuyên truyền không chỉ có tổ chức, cá nhân phạm vi toàn quốc mà trong một số trường hợp cần phải tuyên truyền cho cả tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông.
- Hình thức phổ biến, tuyên truyền còn mang nhiều tính truyền thống, cần bổ sung, áp dụng công nghệ số trong phổ biến thay đổi cách làm, hiệu ứng rộng và dễ dàng truyền đạt đến đối tượng phổ biến.
- Khâu tổ chức, bố trí nhân lực để kết hợp nhiều nội dung chuyên ngành, cùng một địa điểm, cùng đối tượng và thời gian để tiết kiệm nguồn lực còn khó khả thi
Nguyên nhân của khó khăn, tồn tại
- Đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác PBGDPL, báo cáo viên pháp luật tại Bộ là kiêm nhiệm thực hiện công tác PBGDPL trong khi vẫn phải thực thi rất nhiều công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao.
- Các đối tượng được phổ biến đã nhận thức được sự cần thiết, tuy nhiên có lúc có nơi chưa thực sự nghiêm túc trong việc tham dự, lĩnh hội thông tin, kiến thức mới.
- Kinh phí bố trí cho hoạt động PBGDPL còn hạn chế so với nhu cầu và nhiệm vụ đặt ra. Việc huy động nguồn lực từ xã hội hóa phụ thuộc rất nhiều vào mức độ quan tâm của đối tượng với nội dung phổ biến.
Một số định hướng triển khai công tác PBGDPL của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2023
- Quán triệt các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.
- Tổ chức nghiên cứu, khảo sát nhu cầu thực tiễn của các đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và điều kiện cụ thể của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để nghiên cứu, xây dựng Chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn tiếp theo.
- Tiếp tục thực hiện các hình thức có hiệu quả cao như tổ chức các Hội nghị tập huấn, phổ biến và giải đáp trực tiếp pháp luật, chính sách mới; Nâng cao chất lượng Chuyên trang Chính sách pháp luật về thông tin và truyền thông.
- Đa dạng hóa hơn nữa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, phát thanh truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở, công nghệ số.
- Xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đảm bảo về chất lượng và số lượng, đồng thời không ngừng nâng cao kỹ năng về phổ biến pháp luật.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật