Xung quanh vấn đề này, Báo Điện tử Chính phủ đã trao đổi với TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp).
Công tác đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có ý nghĩa như nào trong thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và đẩy mạnh tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở, thưa bà?
TS. Ngô Quỳnh Hoa: Có thể khẳng định, hiện nay việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, bảo đảm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, hướng tới mục tiêu cao nhất là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Các văn bản nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả triển khai công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Từ đó, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao theo luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan này trong việc tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở; góp phần xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.
Qua công tác quản lý, bà có nhận xét gì về tình hình triển khai công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09 sau gần 1 năm thực hiện?
TS. Ngô Quỳnh Hoa: Ngay sau khi Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 09/2022/TT-BTP được ban hành, 100% các địa phương đã tham mưu ban hành văn bản của UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP.
Nhiều địa phương đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể như Long An, Cà Mau, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Tây Ninh, Phú Thọ, Ninh Bình… tổ chức tập huấn cho các đơn vị cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh; Cà Mau tổ chức cuộc thi viết, Bạc Liêu tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuẩn tiếp cận pháp luật…
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, để kịp thời hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nhất là trong bối cảnh năm 2022 là năm đầu tiên triển khai nhiệm vụ này theo các quy định tại các văn bản mới, Bộ Tư pháp đã đẩy mạnh hoạt động tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra, khảo sát, toạ đàm, hội thảo liên quan đến đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện tiếp cận pháp luật của người dân.
Chỉ riêng trong năm 2022, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức Hội nghị tập huấn tại các tỉnh: Hà Giang, Gia Lai, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Nam Định, Bắc Kạn, Tiền Giang, Long An, Khánh Hoà, Sóc Trăng, Lâm Đồng; 05 Đoàn kiểm tra, khảo sát tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Long An, Lâm Đồng và một số hội thảo, toạ đàm trao đổi kinh nghiệm thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thông qua các hoạt động nêu trên, đặc biệt qua kiểm tra thực tế cho thấy: Về công tác chỉ đạo, điều hành, quy trình tổ chức triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch riêng để triển khai nhiệm vụ, phân công cụ thể các công chức đầu mối thực hiện đánh giá, chấm điểm, theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; quy trình thực hiện đánh giá, công nhận bảo đảm quy định, hồ sơ, tài liệu kiểm chứng cho một số chỉ tiêu, tiêu chí tương đối đầy đủ…
Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế như: Tại một số nơi chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, chưa xác định việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập, vẫn còn thực hiện hình thức để xét nông thôn mới.
Công chức chuyên môn còn đang lúng túng trong việc triển khai theo dõi, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật được phân công theo dõi.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai của một số đơn vị trong triển khai nhiệm vụ đối với một số chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật còn chưa đầy đủ, số liệu, thông tin giữa báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn và tài liệu đánh giá, minh chứng cho các chỉ tiêu, tiêu chí được lưu trữ còn chưa thống nhất.
Một số chỉ tiêu, tiêu chí thiếu tài liệu kiểm chứng; nhận thức chưa đúng và đầy đủ, thực hiện chưa tốt như về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phạm vi hoà giải ở cơ sở, lập danh mục thông tin phải công khai và xây dựng quy chế cung cấp thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin… Một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí riêng cho công tác này.
Để công tác tiếp cận pháp luật thực sự là đòn bẩy trong tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở, nâng cao trách nhiệm của cấp chính quyền gần dân nhất trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, theo bà chúng ta cần thực hiện những giải pháp nào trong thời gian tới?
TS. Ngô Quỳnh Hoa: Chính quyền các cấp, đặc biệt cấp cơ sở cần tiếp tục nhận thức đúng, đầy đủ về việc thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân theo Hiến pháp và pháp luật. Việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật thực chất là đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chính quyền cấp xã nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trên địa bàn. Việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2022/TT-BTP là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập và phải bảo đảm thực chất, tránh hình thức.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật nói chung, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với nông thôn mới, đô thị văn minh cần nghiêm túc, sát sao hơn nữa. Đặc biệt phát huy vai trò của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ…
Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường trực Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp huyện và từng thành viên Hội đồng trong việc rà soát, thẩm định kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của cấp xã. Tuyệt đối không xem xét, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đạt nông thôn mới khi chưa đạt được các tiêu chí về tiếp cận pháp luật.
Tiếp tục quan tâm toàn diện, sâu sắc, thực chất đến công tác này, đặc biệt tiếp tục bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật; đẩy mạnh việc tổ chức kiểm tra chuyên đề, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất giải pháp, chú trọng hướng dẫn các mô hình hay, hiệu quả, mô hình điển hình, chú trọng sơ kết, tổng kết, khen thưởng… để công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới bảo đảm thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trân trọng cảm ơn bà !
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ