Liên kết website

Để người dân thực sự là trung tâm của công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

23/12/2022

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được phù hợp, hiệu quả, ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021, Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 để hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTG và hướng dẫn thực hiện tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với huyện đạt chuẩn nông thôn mới và quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn đô thị văn minh và tiêu chí tiếp cận pháp luât gắn với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Triển khai thực hiện các văn bản nêu trên, năm 2022, được sự phân công, ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức các hoạt động khảo sát, kiểm tra, tọa đàm thực tế và tâp huấn hướng dẫn nghiệp vụ tại một số địa phương: Hà Giang, Đồng Nai, Gia Lai, Long An, Lâm Đồng, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Tiền Giang, Nam Định, Sóc Trăng và Khánh Hòa.

Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt, kiến nghị, phản ánh của Sở Tư pháp các địa phương cho thấy việc triển khai các văn bản mới còn gặp khó khăn, trong đó còn một số vấn đề, nội dung chưa được tiếp cận, hiểu thống nhất dẫn đến lúng túng khi chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện.
Cuối tháng 11 vừa qua, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật tại Long An với một số đại biểu phía Nam. Tiếp nối chủ đề này, ngày 22/12/2022, Vụ PBGDPL tiếp tục tổ chức hội thảo tại Hà Nội nhằm giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ các vấn đề, nội dung mà địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc.
 
TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp và TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp đồng chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội Vụ, Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Cục Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, Bộ Công An; một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp, đại diện Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật các tỉnh, thành phố: Đắk Lắk, Bắc Giang, Hà Giang, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang và đại diện 15 Phòng Tư pháp và một số đơn vị cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
 
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được xác định là công cụ có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm và thực hiện các quyền, lợi ích của người trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng môi trường pháp lý tiến bộ, lành mạnh tại cơ sở. Có thể khẳng định, việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong những giải pháp góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền ngay từ cấp cơ sở, chính quyền gần dân nhất theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, trong thời gian qua việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nói chung, việc đánh giá tiếp cận pháp luật gắn với đánh giá nông thôn mới nói riêng chưa thực sự hiệu quả, thực chất. Cách hiểu,cách áp dụng của nhiều địa phương chưa đúng, chưa toàn diện, thậm chí ở một số địa phương việc đánh giá tiếp cận pháp luật còn mang tính phong trào, sa vào hình thức. Do đó, cần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật để góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, phát huy vai trò làm chủ của người dân và xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh tại cơ sở, để người dân thực sự là trung tâm của công tác đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ những kết quả đạt được, những thuận lợi trong quá trình triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn trên địa bàn. Đặc biệt các đại biểu chia sẻ thẳng thắn và được các đồng chí chủ trì Hội thảo giải đáp, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, tập trung vào một số chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật; về việc xác định hành vi “vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ” trong điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, về mô hình điển hình về PBGDPL, hoà giải ở cơ sở; về việc lấy kết quả đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới; về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ đánh giá tiêu chí tiếp cận pháp luật gắn với Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới các cấp…
  
Kết luận Hội thảo, TS. Lê Vệ Quốc – Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cảm ơn và ghi nhân những chia sẻ thẳng thắn của đại biểu về thực trạng thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật của các địa phương. Đồng chí cũng khẳng định các ý kiến trao đổi, phát biểu của các đại biểu tại Hội thảo sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, bảo đảm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, từ việc hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành đến việc hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp cần tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công tác tham mưu nhiệm vụ đánh giá, công nhận tiếp cận pháp luật, đặc biệt là đội công chức cấp xã đồng thời. Chú trọng tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề, kiểm tra liên ngành về đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, từ đó kịp thời giải đáp khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh và rút kinh nghiệm, thống nhất nhận thức, phương pháp, cách làm trong đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo đúng yêu cầu, quy định, thực chất, tránh hình thức./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: