Liên kết website

Những khó khăn, hạn chế cơ bản về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại một số địa phương và yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước trong thời gian tới

24/02/2023

Để triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021, Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022) về hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh, năm 2022, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp đã tích cực tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành các Kế hoạch và tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ, tập trung vào kiểm tra, khảo sát, hội thảo, toạ đàm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật.

1. Những khó khăn, hạn chế cơ bản trong đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại một số địa phương
Trên cơ sở tổ chức 05 Đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình triển khai đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại 05 đơn vị cấp xã của 05 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Long An và Lâm Đồng; 03 Hội thảo, tọa đàm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật tại các tỉnh: Hà Tĩnh (ngày 16/9/2022), Long An (ngày 25/11/2022), TP. Hà Nội (ngày 22/12/2022) đã giúp nắm bắt tình hình thực hiện các văn bản, quy định mới, đặc biệt là các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ trên thực tế; giải đáp, tháo gỡ cho các địa phương nhằm thống nhất về cách hiểu, cách tiếp cận về một số quy định trong các văn bản hiện hành.
Công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cơ bản đã được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Các xã được kiểm tra đã xây dựng Kế hoạch riêng để triển khai nhiệm vụ được giao; phân công công chức chuyên môn của xã thực hiện đánh giá, chấm điểm, theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật. Quy trình, thời hạn đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận được thực hiện bám sát theo quy định. Hồ sơ, tài liệu kiểm chứng một số chỉ tiêu, tiêu chí tương đối đầy đủ….Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương vẫn còn gặp một số hạn chế, khó khăn trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, cụ thể như sau:
Thứ nhất, một số nơi chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, chưa xác định việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập, vẫn còn thực hiện hình thức để xét nông thôn mới. Phòng Tư pháp chưa thực sự sát sao trong hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; công tác kiểm tra, tập huấn ở địa phương còn chưa kịp thời, thường xuyên để hỗ trợ cho cấp xã triển khai nhiệm vụ đúng yêu cầu và quy định. Một số xã chưa tham mưu ban hành văn bản phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức; công chức chuyên môn còn lúng túng trong việc triển khai theo dõi, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật được phân công theo dõi hoặc chưa nắm vững về chuyên môn nghiệp vụ; một số xã có phân công trách nhiệm nhưng còn chưa rõ, chưa cụ thể nhiệm vụ; chưa phát huy vai trò, sự tham gia của công chức chuyên môn theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật của xã trong phối hợp tổ chức triển khai nhiệm vụ. Thời gian đánh giá, đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại một số xã chưa thực hiện đúng quy định; chậm tham mưu, ban hành Quyết định công bố cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thứ hai, số liệu, thông tin giữa các báo cáo, tài liệu phục vụ đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu chưa thống nhất, chưa đầy đủ. Việc chấm điểm một số tiêu chí, chỉ tiêu còn hình thức; không có tài liệu kiểm chứng khi Đoàn kiểm tra yêu cầu cung cấp để đối chiếu, so sánh. Có chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu theo quy định nhưng vẫn chấm điểm tối đa. Việc lập sổ, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phục vụ công việc, nhiệm vụ chuyên môn chưa theo đúng quy định pháp luật (chưa lập Danh mục thông tin phải công khai và xây dựng quy chế cung cấp thông tin theo quy định tại Luật Tiếp cận thông tin; chưa có Sổ theo dõi cung cấp thông tin theo yêu cầu hoặc có Sổ theo dõi tiếp công dân nhưng để trống nội dung...).
Thứ ba, trong quá trình triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, một số địa phương vẫn còn gặp lúng túng, khó khăn như nhận thức chưa đúng về thẩm quyền, nội dung, hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật; còn nhầm lẫn giữa hòa giải ở cơ sở với hòa giải tranh chấp đất đai; chưa hiểu rõ về điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và cách chấm điểm một số chỉ tiêu tiếp cận pháp luật…
Thứ tư, kinh phí bố trí cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật của các xã được kiểm tra còn rất khó khăn, hạn chế; một số xã chưa bố trí kinh phí riêng cho công tác hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật mà kinh phí hỗ trợ cho các Tổ hoà giải được lấy từ kinh phí PBGDPL…
 
2. Một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong thời gian tới
Thứ nhất, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và một số đơn vị thuộc Bộ có liên quan và nâng cao hiệu quả phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gắn với thực hiện các Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chuẩn đô thị văn minh các cấp.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường kiểm tra, khảo sát, hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lúng túng cho địa phương trong quá trình đánh giá công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Thứ ba, phát huy vai trò đầu mối của cơ quan Tư pháp các cấp trong tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phối hợp thực hiện và giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, phục vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thứ năm, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Tư pháp, nhất là công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã và tăng cường đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức pháp, kỹ năng tham mưu công tác đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật. Đặc biệt cần quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Có thể khẳng định các hoạt động nêu trên được quan tâm triển khai nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, tạo cơ sở quan trọng để nhận diện, đánh giá, tham mưu triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới. Do đó, trong năm 2023 cần tiếp tục quan tâm triển khai hoạt động kiểm tra, khảo sát, đánh giá công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, kể cả việc đánh giá tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…. Việc tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh việc cung cấp thông tin, thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các địa phương cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tại Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật” của người dân ban hành kèm theo Quyết định số 2007/QĐ-BTP ngày 12/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: