Liên kết website

Giới thiệu một số mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại tỉnh Quảng Ninh

04/07/2024

Nhằm chia sẻ và lan tỏa những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, qua theo dõi, chuyên quản địa phương nhận thấy, đây là địa phương có nhiều kết quả nổi bật, tích cực trong công tác PBGDPL. Để có được kết quả đó, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo giúp công tác PBGDPL ngày càng thực chất, hiệu quả. Đã có nhiều mô hình, cách thức PBGDPL được tỉnh Quảng Ninh quan tâm xây dựng và duy trì, phát triển, điển hình là mô hình: "Câu lạc bộ bạn giúp bạn" tại phường Cẩm Tây, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh và mô hình "Truyền thanh pháp luật" do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện. Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả nội dung chi tiết về 02 mô hình này.

  • Mô hình: "Câu lạc bộ bạn giúp bạn" tại phường Cẩm Tây, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh
  • Nội dung mô hình:
Mô hình “Câu lạc bộ bạn giúp bạn” tại phường Cẩm Tây, thành phố Cẩm Phả được thành lập theo Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 02/6/2016 của Ủy ban nhân dân (UBND) phường Cẩm Tây. Câu lạc bộ tập hợp những người chấp hành xong án phạt tù, người nghiện, người sau cai nghiện cùng sinh hoạt. Câu lạc bộ ra đời đã giúp các thành viên cùng cảnh ngộ có điều kiện chăm sóc, động viên, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, góp phần xóa bỏ tư tưởng tự ti, mặc cảm của những người chấp hành xong án phạt tù, người nghiện, người sau cai nghiện, giúp các thành viên tái hòa nhập tốt vào cộng đồng.
Mô hình “Câu lạc bộ bạn giúp bạn” là Câu lạc bộ hoạt động dưới sự điều hành trực tiếp của UBND phường Cẩm Tây. Câu lạc bộ có Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và các thành viên. Hàng tháng, Câu lạc bộ sắp xếp công việc để tổ chức họp hội viên, gặp gỡ trực tiếp, phổ biến, cảm hóa, giáo dục cho những người chấp hành án xong về sinh hoạt tại cộng đồng, những người cai nghiện trên địa bàn. Trong mỗi buổi sinh hoạt, lãnh đạo UBND phường và các thành viên của Câu lạc bộ thường xuyên phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời ghi nhận các ý kiến của đối tượng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đối tượng và rút kinh nghiệm cho những buổi gặp gỡ, trao đổi tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn.
  • Đánh giá tính hiệu quả của mô hình
Qua quá trình thực hiện, Mô hình “Câu lạc bộ bạn giúp bạn” thường xuyên gặp gỡ, phổ biến, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; tạo việc làm, nâng cao đời sống và góp phần giảm tác hại về ma tuý cho bản thân hội viên, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, giảm bớt các hành vi vi phạm pháp luật của những người chấp hành xong án phạt tù, người nghiện, người sau cai nghiện. Thông qua hoạt động của mô hình này, đã góp phần vận động, cảm hóa, giáo dục các gia đình có người vi phạm pháp luật và có biểu hiện vi phạm pháp luật chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.
Định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm, Câu lạc bộ sẽ tổ chức sơ, tổng kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm và đề ra những phương hướng, nhiệm vụ và nhân rộng Mô hình điểm nhằm thực hiện hiệu quả hơn cho năm sau.
Thời gian áp dụng thực hiện mô hình tại địa phương: Đã áp dụng triển khai từ ngày 02/6/2016 đến nay.
  • Mô hình "Truyền thanh pháp luật" do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện
  • Nội dung mô hình:
Đây là mô hình hướng tới các đối tượng là cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân (đặc biệt tuyến biên giới, biển đảo, khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Quảng Ninh). Thông qua mô hình này nhằm tổ chức PBGDPL trên hệ thống truyền thanh hằng ngày các cơ quan, đơn vị thuộc Hệ thống truyền thanh của Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh; 13 Ban CHQS cấp huyện; Trung đoàn 244 và Đại đội đảo Vĩnh Thực).
Thời gian thực hiện: Định kỳ vào 6h00 buổi sáng, 17h00 buổi chiều ngày trong tuần; từ 6h30 đến 09h30 và 14h00 đến 16h30 ngày nghỉ thứ 7 và Chủ nhật. Nội dung truyền thanh chủ yếu gồm: (1) Chương trình Pháp luật và đời sống trên VOV1; Pháp luật và xã hội trên VOV2; giải đáp pháp luật trên VOV Giao thông (FM 91 MHz)...; (2) Thông báo nội dung cơ bản của các Luật mới; biên soạn câu chuyện pháp luật liên quan trực tiếp tới quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị (thu âm và phát các bài viết trên báo chí chính thống; trang thông tin về PBGDPL của Bộ Tư pháp; cổng thông tin điện tử, thư viện điện tử tỉnh Quảng Ninh…; biên soạn các câu chuyện pháp luật định hướng hành động, tư tưởng về việc xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật của lực lượng vũ trang tỉnh; chấp hành pháp luật nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, dự bị động viên); (3) Biểu dương gương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định địa phương.
Kinh phí triển khai mô hình được huy động từ nguồn kinh phí cho hoạt động PBGDPL của Quốc phòng, địa phương và các hoạt động tăng gia sản xuất của đơn vị để đưa vào nâng cấp, cải tạo, bổ sung, sửa chữa hệ thống truyền thanh của cơ quan, đơn vị.
Cơ sở vật chất: Sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất được cấp và tự mua sắm (hiện có) của các cơ quan, đơn vị. Hệ thống truyền thanh hiện nay của 14 Ban CHQS cấp huyện, Trung đoàn 244; 01 của Bộ CHQS tỉnh; 01 của Đại đội đảo Vĩnh Thực được trang bị đầy đủ.
Nguồn nhân lực thực hiện: Sử dụng nguồn nhân lực được biên chế ở các cơ quan, đơn vị để biên soạn nội dung, biên tập chương trình (Báo cáo viên pháp luật cấp Quân khu: 02, tỉnh Quảng Ninh: 02, Bộ CHQS tỉnh: 39; Cộng tác viên pháp luật của các đơn vị tự vệ, Ban CHQS cấp xã: 177 đ/c; Cán bộ chính trị ở các cơ quan, đơn vị...).
  • Tính hiệu quả của mô hình:
Mô hình đã có tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực đơn vị đóng quân, đặc biệt, nhận được phản hồi rất tích cực của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân về các lĩnh vực PBGDPL như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.... Nội dung kịch bản phát thanh được biên soạn công phu, kỹ lưỡng, tác động trực tiếp vào đối tượng cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân có tuổi đời trẻ, ít quan tâm đến pháp luật, là đối tượng dễ sa ngã để truyền thông, định hướng.
Thông qua phát thanh pháp luật thường xuyên, giúp cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực đơn vị đóng quân nâng cao hiểu biết và chấp hành pháp luật, nhất là cập nhật những vấn đề mới, những kiến thức cơ bản về pháp luật; định hướng thái độ, hành vi và biện pháp xử lý đúng pháp luật đối với các hiện tượng, các vụ việc sai phạm. Thông qua hiệu quả triển khai từ năm 2021 đến nay, cho thấy đây là mô hình có tính khả thi cao; việc áp dụng được triển khai đồng bộ, phát triển ổn định và lâu dài cùng sự phát triển của các cơ quan, đơn vị.
  • Thời gian triển khai thực hiện:
Mô hình được áp dụng triển khai từ năm 2021 đến nay./.
ĐTN
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: