Theo Kế hoạch, có 05 nhóm nhiệm vụ được triển khai thực hiện và phân công rõ trách nhiệm cho các đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp thực hiện trong thời gian cụ thể và hàng năm, bao gồm: (i) Xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án của Ủy ban Dân tộc; (ii) Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về nội dung Đề án; (iii) Rà soát, nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện thể chế, chính sách và hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); (iv) Tăng cường năng lực của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật bảo đảm hoạt động thực chất, có kỹ năng, nghiệp vụ tốt, am hiểu pháp luật; (v) Một số hoạt động phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Về kinh phí, để triển khai nhiệm vụ được giao tại điểm c, mục 1, phần V, Điều 1 Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 04/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 - 2030" (Đề án 279), Ủy ban Dân tộc đã giao Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ:
(i) Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương lồng ghép kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ có chung mục tiêu, đối tượng, nội dung với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025; thời gian thực hiện hằng năm;
(ii) Tham mưu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bố trí kinh phí triển khai thực hiện Đề án từ nguồn kinh phí triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định của pháp luật; thời gian thực hiện trong năm 2025.
Về rà soát, nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN, Kế hoạch giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện hằng năm và hoàn thành trong năm 2028 đối với nhiệm vụ: “Rà soát, nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; tham mưu ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách ưu tiên, có tính đặc thù để thu hút, phát huy vai trò, trách nhiệm của người am hiểu pháp luật, già làng, trưởng thôn, bản, các chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào DTTS&MN theo chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc.”
Đối với một số hoạt động phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 279, Kế hoạch giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ sau:
(i) Phối hợp hỗ trợ một số địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.
(ii) Phối hợp trang bị công cụ, phương tiện, thiết bị để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL phù hợp với đặc điểm, tính chất đối tượng của Đề án; bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong PBGDPL cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN.
(iii) Phối hợp huy động các nguồn lực tham gia công tác PBGDPL tại vùng đồng bào DTTS&MN để hỗ trợ hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.
(iv) Kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án; khen thưởng và có hình thức động viên, tôn vinh kịp thời các báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và các tổ chức, cá nhân tích cực, có nhiều đóng góp trong công tác PBGDPL tại vùng đồng bào DTTS&MN./.
Minh Tùy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật