Tới dự và đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Kỷ, Thiếu tướng, Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo nhân quyền chính phủ và đồng chí Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp. Hội nghị có sự tham gia của đồng chí Vũ Minh Hậu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam và đại diện các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương (Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) và một số địa phương như: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Nguyên…
Nhằm chuẩn bị nội dung cần thiết để Việt Nam tham dự phiên đối thoại rà soát Báo cáo quốc gia lần thứ 4 của Việt Nam tại Ủy ban nhân quyền Liên Hợp quốc, Hội nghị đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả triển khai 04 nhóm nhiệm vụ theo Quyết định số 1252/QĐ-TTg gồm: (i) Nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR); (ii) Thực thi các quy định pháp luật về quyền dân sự và chính trị; (iii) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo nhằm thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị và (iv) Hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu các điều ước quốc tế có liên quan và thực hiện các nghĩa vụ báo cáo định kỳ.
Qua 05 năm triển khai Quyết định số 1252, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng trong giai đoạn 2019-2024 đều tuân thủ nguyên tắc phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm quyền con người nói chung, quyền dân sự và chính trị nói riêng. Chất lượng các dự án luật được chuẩn bị tốt (hầu hết các luật đều được thông qua với tỷ lệ trên 90%). Nhiều mục tiêu đặt ra với công tác bình đẳng giới đã được thực hiện hiệu quả, việc tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo tăng lên, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; trong lĩnh vực văn hóa và thông tin; bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới… Việc bảo đảm quyền cho người dân tộc thiểu số luôn được ưu tiên. Các Chương trình mục tiêu quốc gia đặt người dân tộc thiểu số là nhóm hưởng lợi chính trên tất cả các lĩnh vực như: an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, liên vùng; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Các hoạt động tố tụng hình sự (điều tra, truy tố, xét xử) tiếp tục được nâng cao theo hướng bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền xét xử công bằng, có chất lượng và là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường phổ biến, giới thiệu nội dung Công ước ICCPR và pháp luật Việt Nam về quyền dân sự, chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên, kịp thời truyền thông chính sách thông tin cho báo chí, định hướng dư luận các vấn đề liên quan đến quyền con người, đấu tranh phản bác lại các báo cáo, phát biểu sai sự thật, không có căn cứ của các nước; tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người, các quyền dân sự và chính trị của Việt Nam …
Bên cạnh đó, một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai Quyết định số 1252 cũng đã được chỉ ra và thảo luận tại Hội nghị như: (i) Nhận thức của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan về việc thực hiện các quyền dân sự, chính trị còn chưa thực sự đầy đủ, dẫn đến sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1252 chưa sát sao, chưa tương xứng với khối lượng công việc, tầm quan trọng của công tác này; (ii) Các quy định của Công ước ICCPR có tính khái quát chung nhưng thường xuyên được Ủy ban Nhân quyền giải thích theo hướng ngày càng mở rộng; các nghĩa vụ của quốc gia thành viên; các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền được đưa ra ở mức cao, sự liên kết giữa các khuyến nghị ngày càng chặt chẽ và có sự chồng lấn nhất định với các khuyến nghị của các Ủy ban Công ước nên đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết (hạ tầng kỹ thuật, thời gian) trước khi tổ chức triển khai trên thực tế; (iii) Việc triển khai Quyết định số 1252/QĐ-TTg chưa thực sự đồng đều ở các Bộ, ngành, địa phương. Một số Bộ, ngành, địa phương lựa chọn phương thức lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch quốc gia với các kế hoạch khác của cơ quan mình, dẫn tới việc chưa thu hút sự quan tâm, đầu tư nguồn lực của các cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; (iv) Công tác phối hợp, đặc biệt là trao đổi thông tin, giữa các Bộ, ngành, địa phương, giữa các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trong triển khai Quyết định số 1252 còn hạn chế, chưa được thường xuyên, liên tục, đồng bộ, đặc biệt trong thực hiện trách nhiệm báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 1252 của nhiều Bộ, ngành còn lúng túng, chậm trễ, cá biệt, một số ít cơ quan không gửi báo cáo; (v) Nguồn lực, đặc biệt là về tài chính phục vụ cho hoạt động triển khai Quyết định số 1252 ở các Bộ, ngành, địa phương còn eo hẹp, chưa được đầu tư, phân bổ hợp lý để thực hiện; (vi) Đội ngũ công chức thực hiện công tác này còn hạn chế về số lượng, kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức sâu về Công ước ICCPR và đều là kiêm nhiệm nên còn lúng túng, gặp khó khăn trong thực thi nhiệm vụ do sức ép về khối lượng và tính chất phức tạp của công việc.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã tham gia thảo luận, phát biểu các ý kiến để làm rõ, chia sẻ những kinh nghiệm tốt, cách làm hay trong thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định số 1252 như trong việc sử dụng thiết chế Hội đồng phối hợp PBGDPL trong chỉ đạo, điều hành; gắn kết hoạt động PBGDPL nhân quyền với các sự kiện chính trị - pháp lý lớn của địa phương và toàn quốc; sử dụng các kênh truyền thông đa phương tiện; bảo đảm quyền độc lập trong xét xử của tòa án các cấp; giáo dục quyền con người trong các cơ sở đào tạo luật…./.