Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Vụ trưởng Vy Kon Bun-Vy-Lay chia sẻ, tại Lào, công tác hòa giải ở cơ sở là một hoạt động rất cần thiết và quan trọng trong công tác tư pháp. Từ năm 1997, Chính phủ Lào đã giao Bộ Tư pháp thành lập Ban hòa giải tại cấp bản. Bộ Tư pháp có trách nhiệm soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách pháp luật về hòa giải cơ sở. Sở Tư pháp các tỉnh áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến cho cấp huyện. Phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn, bồi dưỡng cho hòa giải viên về kiến thức pháp luật, vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở và kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên. Ban hòa giải được thành lập trên cơ sở lựa chọn những người uy tín để thực hiện công tác hòa giải cơ sở. Đồng chí Vy Kon Bun-Vy-lay cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp Lào đã tìm hiểu và được biết công tác hòa giải ở cơ sở tại Việt Nam có nhiều điểm tiến bộ, hiệu quả. Do đó, Đoàn công tác mong muốn được Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Việt Nam chia sẻ một số những kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai công tác hòa giải tại Việt Nam.
|
|
Thay mặt lãnh đạo Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Việt Nam, đồng chí Phan Hồng Nguyên đã thông tin với Đoàn công tác về tổng quan kết quả đạt được cũng như những khó khăn, tồn tại của công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai công tác này thời gian qua. Ở Việt Nam, hòa giải ở cơ sở là một hoạt động tự nguyện, không vì mục đích lợi nhuận, mang tính tự quản trong nhân dân, giúp các bên tự thỏa thuận, giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình, phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Đến nay thể chế về công tác hòa giải ở cơ sở đã cơ bản được hoàn thiện. Quốc hội đã thông qua Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013. Bộ Tư pháp đã ban hành theo thẩm quyền và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc; biên soạn các tài liệu nghiệp vụ được quan tâm hơn. Việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải; tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, hội thi hòa giải viên giỏi được nhiều địa phương tổ chức định kỳ. Đội ngũ hòa giải viên được các địa phương quan tâm củng cố, kiện toàn. Tính đến hết tháng 12/2015, cả nước có 117.660 tổ hòa giải với 669.873 hòa giải viên. Chất lượng hoạt động của đội ngũ hòa giải viên từng bước được nâng lên. Năm 2015, tỷ lệ hòa giải thành chiếm gần 79% tổng số vụ, việc.
|
|
Tại buổi làm việc, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã trao đổi, trả lời nhiều câu hỏi của Đoàn bạn về các nội dung liên quan đến phạm vi hòa giải, tiêu chuẩn hòa giải viên, cách thức bầu và công nhận hòa giải viên; tổ chức thực hiện thỏa thuận hòa giải thành; hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở... Bên cạnh đó, Đoàn công tác Vụ Quản lý hệ thông tư pháp, Bộ Tư pháp Lào đã chia sẻ thông tin về thực tiễn, kinh nghiệm công tác hòa giải ở cơ sở của nước bạn. Qua trao đổi cho thấy, công tác hòa giải ở cơ sở của nước bạn có nhiều nét tương đồng với Việt Nam; tuy nhiên cũng có một số điểm khác với nước ta, trong đó Ban hòa giải nước bạn có thu phí khi thực hiện hòa giải.
Qua buổi làm việc, hai Vụ đã chia sẻ, học tập được nhiều kinh nghiệm về quản lý công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Bộ Tư pháp Lào nói chung và giữa Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật với Vụ Quản lý hệ thống tư pháp nói riêng. Hai Vụ mong muốn tiếp tục có các hình thức hợp tác hiệu quả về công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới./.