Liên kết website

Công tác hòa giải ở cơ sở của Việt Nam - vấn đề nước bạn Lào quan tâm

24/07/2019

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nghị định về hòa giải ở cơ sở, sáng ngày 23/7/2019, Đoàn công tác của Vụ Quản lý hệ thống tư pháp, Bộ Tư pháp Lào do đồng chí Vị-Kon-Bun-Vy-Lay, Phó Vụ trưởng làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Bộ Tư pháp về công tác hòa giải ở cơ sở. Tiếp Đoàn có đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng chí Uông Ngọc Thuẩn, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng chí Dương Thiên Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và các công chức Phòng Quản lý công tác hòa giải ở cơ sở.

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hệ thống tư pháp, Bộ Tư pháp Lào cảm ơn Bộ Tư pháp Việt Nam, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã đón tiếp trọng thị và chuẩn bị chu đáo cho chương trình làm việc của Đoàn. Đồng chí Phó Vụ trưởng Vị-Kon-Bun-Vy-Lay chia sẻ tại Lào, hòa giải ở cơ sở cũng là một truyền thống tốt đẹp và lâu đời của nhân dân Lào. Từ năm 1997, Chính phủ Lào đã giao Bộ Tư pháp ban hành Quyết định của Bộ trưởng về hòa giải ở cơ sở, đến nay thì văn bản đó đã được sửa đổi 05 lần. Tuy nhiên, do yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và nhu cầu thực tiễn, cần phải xây dựng Nghị định của Chính phủ điều chỉnh nội dung này, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Bộ Tư pháp Lào phải triển khai trong thời gian tới. Đồng chí Vị-Kon-Bun-Vy-Lay cho biết, Bộ Tư pháp Lào đã tìm hiểu và được biết hệ thống pháp luật của Việt Nam về công tác hòa giải ở cơ sở khá là đầy đủ, thống nhất. Do đó, Đoàn công tác mong muốn được Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng văn bản và thực tiễn triển khai công tác hòa giải tại Việt Nam.
Đáp lại tình cảm và sự quan tâm của các đồng nghiệp Lào đối với công tác hòa giải ở cơ sở của Việt Nam, đồng chí Lê Vệ Quốc bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp Đoàn và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thành công, những tồn tại, hạn chế của công tác hòa giải ở cơ sở của Việt Nam.
Tại buổi làm việc, đại diện Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã thông tin với Đoàn công tác về tổng quan hệ thống văn bản pháp luật, kết quả đạt được cũng như những khó khăn, tồn tại của công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai công tác này thời gian qua ở Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã trao đổi, trả lời nhiều câu hỏi của Đoàn bạn về các nội dung liên quan đến phạm vi hòa giải; kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở; giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên; thống kê các vụ, việc hòa giải; quản lý nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở... Để có sự tương tác, Đoàn công tác của Lào đã chia sẻ một số thông tin công tác hòa giải ở cơ sở của nước bạn như: trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở (Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp); hòa giải viên là người được bầu và do huyện trưởng công nhận; chi phí hòa giải do các bên tranh chấp chịu là 150.000 kíp/vụ việc...
Qua trao đổi cho thấy, công tác hòa giải ở cơ sở của nước bạn cũng có một số nét tương đồng với Việt Nam. Nhằm thể hiện sự quan tâm, mong muốn giúp đỡ Bộ Tư pháp Lào xây dựng dự thảo Nghị định về công tác giải ở cơ sở, đồng thời tìm hiểu sâu hơn kinh nghiệm hay trong công tác này của nước bạn, dự kiến năm 2020, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ đề xuất Bộ Tư pháp Việt Nam bố trí một đoàn công tác sang thăm và làm việc với bạn.
 Thay mặt Đoàn, đồng chí Vị-Kon-Bun-Vy-Lay đã có lời mời và bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp các công chức Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Việt Nam sang thăm Lào. Đồng chí cũng khẳng định những kinh nghiệm mà đoàn tiếp thu được trong chuyến công tác này thực sự hữu ích phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Nghị định về công tác hòa giải ở cơ sở. Đoàn cũng mong muốn, tiếp tục có các hình thức hợp tác hiệu quả về công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: