Cùng với sự phát triển không ngừng của quan hệ hai nước Việt - Trung, sự giao lưu hữu nghị và hợp tác thương mại giữa nhân dân hai nước không ngừng được gia tăng và được thể hiện rất rõ nét qua hệ thống cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc bao gồm: Cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương và đường qua lại tạm thời (lối mòn và các cặp chợ biên giới)
[1]. Văn Lãng là một huyện vùng cao, biên giới của tỉnh
Lạng Sơn, tiếp giáp với các huyện Cao Lộc, Tràng Định, Văn Quan, Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam) và có đường biên giới tiếp giáp với thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc dài 36km. Huyện có chợ biên giới với Trung Quốc, nổi tiếng nhất là chợ
cửa khẩu Tân Thanh. Hay Cửa khẩu Na Hình - cửa khẩu phụ thuộc xã Thụy Hùng, Văn Lãng, Lạng Sơn. Đối diện với cửa khẩu phụ Na Hình là cửa khẩu Kéo Ái, trấn Hữu Nghị, thị Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng tây, Trung Quốc. Giao thương hàng hóa khu vực này không ngừng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực về kinh tế, xã hội cũng đặt ra những vấn đề tiềm ẩn, liên quan đến trật tự, an toàn khi các mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích phát sinh giữa nhân dân khu vực biên giới hai nước không được giải quyết kịp thời, ổn thỏa. Nhằm tăng cường hơn nữa công tác giải quyết hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp nhân dân khu vực biên giới giữa huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và thị Bằng Tường, Khu tựu trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, thúc đẩy mối quan hệ láng giềng, hữu nghị; trên tinh thần bình đẳng, cùng tin tưởng lẫn nhau, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi, Đoàn đại biểu huyện Văn Lãng, Lạng Sơn, Việt Nam do ông Bế Văn Nhớ dẫn đầu và Đoàn đại biểu thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc do ông Chu Viễn Minh dẫn đầu đã trao đổi, thảo luận và thống nhất ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giải quyết hòa giải mâu thuẫn tranh chấp dân sự khu vực biên giới. Bản ghi nhớ được ký kết vào ngày 08/6/2015 tại huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và có hiệu lực kể từ ngày ký. Bản ghi nhớ đề cập đến những nội dung cơ bản sau:
1. Về nội dung hợp tác giữa hai bên:
- Một là, xây dựng cơ chế giao lưu hợp tác. Thành lập “Tổ hợp tác giải quyết hòa giải các mâu thuẫn tranh chấp dân sự khu vực biên giới” cấp huyện, thị, do lãnh đạo cơ quan Tư pháp hành chính của hai bên làm Tổ truwnowngr, cá thành viên tham gia gồm: đại diện lực lượng Biên phòng sở tại; cơ quan/bộ phần ngoại vụ huyện, thị; đại diện chính quyền cấp xã và thông, bản sở tại nơi xảy ra mâu thuẫn và ngoài ra, tùy theo tình hình thực tế có thể mời đại diện các cơ quan chức năng liên quan để phối hợp giải quyết.
- Hai là, xây dựng cơ chế hội nghị liên tịch định kỳ. Định kỳ tổ chức hội nghị liên tịch, tìm hiểu tình hình mâu thuẫn tranh chấp dân sự khu vực biên giới hai bên, giải quyết những vấn đề tranh chấp tồn tại, tăng cường hữu nghị và sự tin tưởng lẫn nhau.
- Ba là, xây dựng, kiện toàn cơ chế liên hợp giải quyết hòa giải mâu thuẫn tranh chấp dân sự. Mỗi năm tổ chức triển khai ít nhất 02 lần việc hòa giải mâu thuẫn tranh chấp dân sự, trọng điểm hòa giải tập trung vào các hoạt động dễ phát sinh mâu thuẫn tranh chấp như trong việc nhân dân biên giới hai nước qua lại thăm nhân, du lịch, thương mại..., tổ chức giải quyết hòa giải một cách thỏa đáng.
- Và cuối cùng, xây dựng cơ chế chuyển giao giải quyết mâu thuẫn tranh chấp dân sự. Đối với những mâu thuẫn tranh chấp dân sự mà đương sự không muốn thông qua hòa giải hoặc hòa giải không thành công thì Tổ hợp tác hòa giải của hai bên lập hồ sơ, tài liệu, báo cáo chính quyền cấp huyện, thị. Chính quyền cấp huyện, thị của mỗi bên báo cáo lại với cơ quan Ngoại vụ tỉnh, khu, giải quyết yêu cầu về lợi ích thông qua con đường ngoại giao, tránh làm cho mâu thuẫn tranh chấp dân sự trở nên gay gắt hơn.
2. Về phương thức, cách thức liên lạc giữa hai bên:
- Cơ quan tư pháp hành chính hai bên mỗi năm tổ chức gặp gỡ 02 lần, đầu năm tổ chức bên Trung Quốc, cuối năm tổ chức bên Việt Nam. Nếu có tình hình đột xuất, sau khi hai bên bàn bạc đồng ý có thể tiến hành gặp gỡ ngay.
- Cơ quan Tư pháp hành chính hai bên sắp xếp, bố trí cán bộ liên lạc thông hiểu ngôn ngữ hai nước, cung cấp số điện thoại của cán bộ liên lạc và số máy fax, cán bộ liên lạc khi liên lạc trao đổi công việc với phía bên kia phải sử dụng ngôn ngữ chính thống của quốc gia đó.
3. Về đề nghị và phối hợp công tác:
- Giữa Tổ giải quyết hòa giải hai bên có thể trực tiếp triển khai hợp tác hòa giải mâu thuẫn tranh chấp dân sự khu vực biên giới liên quan. Đối với những đề nghị hợp tác của các cơ quan hòa giải khác của quốc gia sở tại hai bên, có thể thông qua Cơ quan tư pháp hành chính thông báo lại Cơ quan Tư pháp hành chính phía bên kia chuyển đến địa phương và ban ngành có liên quan hỗ trơ thực hiện. Kinh phí chi trả trong quá trình hợp tác thực hiện, nếu trong phạm vi thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc do Cục Tư pháp thị Bằng Tường phục trách chi trả, rong phạm vi huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam do Phòng Tư pháp huyện Văn Lãng phụ trách chi trả, kinh phí thực hiện vượt quá phạm vi thì sẽ do bên đề nghị hợp tác phụ trách chi trả.
- Công văn đề nghị hợp tác, thông báo tình hình và các tài liệu phúc đáp của bên được đề nghị hợp tác phải dùng ngôn ngữ, chữ viết đúng văn phong của nước đó. Công văn đề nghị hợp tác và các tài liệu kèm theo phải được cơ quan đề nghị hợp tác ký, đóng dấu.
- Nếu bên được đề nghị hợp tác nhận thấy việc thực hiện đề nghị hợp tác hòa giải có thể tổn hại đến chủ quyền, an ninh, trật tự công cộng, lợi ích căn bản hoặc những nguyên tắc căn bản của pháp luật thì có thể từ chối việc hợp tác hòa giải đó. Nếu hành vi của bên đề nghị hợp tác đề cập đến mà bên được đề nghị hợp tác cho rằng không cấu thành mâu thuẫn tranh chấp, bên được đề nghị hợp tác cũng có thể từ chối việc hợp tác hòa giải đó. bên được đề nghị hợp tác phải trả lời bằng văn bản cho bên đề nghị hợp tác lý do từ chối việc hợp tác hòa giải.
4. Về những vấn đề khác lên quan:
- Bản ghi nhớ này không ảnh hưởng đến những nghĩa vụ quốc tế mà hai bên phải thực thi theo căn cứ của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là thành viên. Trong trường hợp các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là thành viên có quy định khác với quy định của Bản ghi nhớ này thì áp dụng theo quy định của các điều ước quốc tế đó.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính linh hoạt cũng như phù hợp với tình hình thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện, Bản ghi nhớ có thể chỉnh sửa và bổ sung nội dung sau khi hai bên trao đổi thống nhất. Việc chấm dút thỏa thuận phải được thông báo trước cho bên kia bằng văn bản trước 30 ngày.
Có thể thấy, đây là cách làm hay, sáng tạo của địa phương trong giải quyết hòa giải mâu thuẫn tranh chấp dân sự khu vực biên giới nên được nghiên cứu về khả năng nhân rộng trên các địa phương có chung đường biên giới trên đất liền với Việt Nam./.