Liên kết website

Tổ chức thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay góp phần giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật

21/04/2022

“Phát huy vai trò các tổ hòa giải, các tổ chức chính trị xã hội kịp thời phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột xã hội, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, môi trường, thực hiện chế độ chính sách, quan hệ lao động, không đề phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự; xây dựng “thế trận lòng dân” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm nhằm giảm bền vững các loại tội phạm và giảm tỷ lệ phạm tội lần đầu trong Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

1. Vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở
Hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột xã hội do các bên mâu thuẫn, tranh chấp thực hiện với sự hướng dẫn, giúp đỡ của hòa giải viên ở cơ sở. Ở Việt Nam, hòa giải ở cơ sở hình thành rất sớm (ngay từ thời kỳ phong kiến), được củng cố và phát triển từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Đến nay, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để không ngừng thúc đẩy công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng hoạt động hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước. Hòa giải ở cơ sở có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở nước ta.
Thứ nhất, hòa giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn hiệu quả, giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, kịp thời và triệt để, không để mâu thuẫn phát triển thành “điểm nóng”
Hòa giải viên ở cơ sở là người sinh sống tại địa bàn dân cư nên họ có điều kiện phát hiện sớm và nắm bắt được nội dung vụ việc, tranh chấp. Ngay khi vụ việc vừa phát sinh, hòa giải viên ở cơ sở biết được sự việc, có mặt kịp thời để can ngăn sự việc tiến triển theo chiều hướng xấu, dàn xếp ngay, làm cho sự việc lắng xuống, các bên bình tĩnh lại và từ đó hướng dẫn, giúp đỡ các bên thỏa thuận cách giải quyết xung đột bằng con đường hòa bình, hợp tác, bảo đảm quyền lợi của mỗi bên. Thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở cho thấy, có những vụ việc nếu không được hòa giải kịp thời thì sự việc bị dồn nén lâu ngày, âm ỉ, đến khi bùng phát trở nên nghiêm trọng, thậm chí thành hành vi vi phạm pháp luật hình sự, xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của các bên. Hòa giải ở cơ sở sẽ kịp thời dập tắt xung đột, không để mâu thuẫn trở nên gay gắt, không vượt qua giới hạn, giúp cho các bên tránh được việc giải quyết xung đột bằng bạo lực.

Hòa giải ở cơ sở giải quyết tận “gốc” mâu thuẫn, tranh chấp. Kết quả hòa giải ở cơ sở sẽ không có bên thắng, bên thua, mà cả hai bên đều thắng, đều thỏa mãn được những mong muốn nhất định của mình (có khi chỉ là một lời xin lỗi đã hóa giải được mâu thuẫn). Hòa giải viên không chỉ dựa trên các quy định của pháp luật mà chủ yếu dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa, ứng xử, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc để tác động tới tâm tư, tình cảm của các bên; khơi dậy, phát huy trong họ những suy nghĩ, tình cảm tích cực, hướng họ tìm về cội nguồn, những giá trị nhân văn để họ tự điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mình, giải quyết mâu thuẫn tranh chấp, khôi phục duy trì, củng cố tình cảm, quan hệ đoàn kết trong gia đình, dòng họ, làng xóm, cộng đồng và xã hội. Các bên sẵn sàng bỏ qua những thua thiệt có thể có, ai cũng cảm thấy hài lòng, vui vẻ, thoải mái bởi không có bên được, bên thua mà tất cả đều thắng. Sau khi vượt qua sóng gió, thách thức, các bên nhận ra cái đúng, cái sai, nhận ra các giá trị đạo đức, giá trị văn hóa; mối quan hệ giữa người với người trở nên bền chặt, nhân văn hơn trước vì vậy mâu thuẫn, tranh chấp được giải quyết triệt để.

Phương thức hòa giải ở cơ sở không chỉ được đề cao, coi trọng ở Việt Nam mà còn được các quốc gia trên thế giới[1] quan tâm, tạo điều kiện phát triển bởi tính ưu việt so với việc giải quyết tranh chấp thông qua hệ thống hành chính, tư pháp chính thống (giải quyết bởi cơ quan hành chính nhà nước hoặc xét xử bởi tòa án). Do đó, hòa giải ở cơ sở ngày càng được khẳng định, củng cố và phát triển thành một phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột xã hội rộng rãi, góp phần quan trọng cho việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để phát triển.

Thứ hai, hòa giải ở cơ sở phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội.
Công tác hòa giải ở cơ sở thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó nhân dân, xã hội trực tiếp tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội. Bằng hoạt động hòa giải ở cơ sở, các bên tranh chấp đã tự mình giải quyết tranh chấp, xung đột trên cơ sở mong muốn, hài hòa lợi ích của các bên. Hòa giải viên là người hoạt động vì lợi ích cộng đồng, họ không hướng tới mục tiêu lợi nhuận; công việc của hòa giải viên là hàn gắn những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, dòng họ, tranh chấp giữa hàng xóm láng giềng với nhau; để từ đó không cần đến sự can thiệp của Nhà nước đối với những công việc mà xã hội có thể tự làm được. Điều này thể hiện cao quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả Hiến pháp năm 2013.

Thứ ba, hoạt động hòa giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài.
Trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay dưới tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhiều mâu thuẫn, xung đột nảy sinh giữa các thành viên trong gia đình, các cá nhân, các hộ gia đình. Hòa giải ở cơ sở là thiết chế giải quyết tranh chấp của cộng đồng, của xã hội.

Khi mâu thuẫn đã được các bên tự thương lượng, thỏa thuận giải quyết với nhau, các bên không còn bức xúc, không còn thắng – thua nên không kiện tụng, khiếu nại, tố cáo. Do đó, ngăn ngừa phát sinh tội phạm, giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội. Điều này góp phần tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, cũng như của các cơ quan nhà nước như chính quyền địa phương, cơ quan tư pháp.

Thứ tư, hoạt động hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần trực tiếp tác động đến việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Ở một góc độ nhất định, các hòa giải viên có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các bên hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình. Các tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hoà giải phát sinh từ nhiều mối quan hệ xã hội: Quan hệ gia đình; quan hệ làng xóm, bạn bè, quan hệ tài sản,…Vì thế, khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên phải sử dụng kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật (pháp luật dân sự, pháp luật hình sự, pháp luật đất đai, pháp luật hôn nhân và gia đình…) để giải thích, phân tích, thuyết phục, hướng dẫn, giúp đỡ các bên đưa ra phương án giải quyết hợp tình, hợp lý, hợp pháp, cùng chấp nhận được. Thông qua hoạt động này, các bên tranh chấp và cả những người xung quanh được cung cấp, củng cố, mở rộng kiến thức pháp luật về nhiều lĩnh vực.

Thông qua hoạt động hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở thực hiện vai trò của một “Tuyên truyền viên pháp luật”, thực sự góp phần tích cực vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ở cơ sở, giữ gìn kỷ cương xã hội, góp phần vào xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện mục tiêu: Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Văn minh.

Thứ năm, hoạt động hòa giải ở cơ sở chính là một hình thức của công tác dân vận.
Hòa giải viên ở cơ sở là người gần dân, sát dân, hiểu được tâm tính, hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ dân, bằng kinh nghiệm của mình, họ phân tích, giải thích cho các bên hiểu về những giá trị cốt lõi của truyền thống đạo đức, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để nâng cao nhận thức pháp luật và xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong Nhân dân, củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, người dân hiểu mục tiêu và con đường xây dựng đất nước mà Đảng đang thực hiện và sẽ cùng chung sức, đồng lòng, ủng hộ những chủ trương đó, để xây dựng, phát triển quê hương, đất nước giàu mạnh. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên nắm được được tâm tư, nguyện vọng của dân, từ đó tham mưu lại cho chính quyền, cho Đảng những giải pháp để xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp, “ý Đảng – lòng Dân”, góp phần phát hiện, xử lý, hòa giải kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tại cộng đồng cơ sở, qua đó góp phần đáng kể phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Từ những vai trò trên, có thể khẳng định hòa giải ở cơ sở là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, mang đậm tính nhân văn, hoạt động vì mọi người trên cơ sở đạo đức xã hội và nền tảng pháp luật. Thực hiện tốt công tác hòa giải sẽ góp phần giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, giúp ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.

2. Kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở
Trong đời sống xã hội, ít có thiết chế giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội nào được thiết lập rộng rãi, với nguồn nhân lực rộng lớn như thiết chế hòa giải ở cơ sở với 87.964 tổ hòa giải và 551.328 hòa giải viên[2] (hiện nay, ngành Tòa án có khoảng 6.861 thẩm phán[3] - tương đương 0,6 thẩm phán/một vạn dân; cả nước có 16.350 luật sư[4] - tương đương 1,7 luật sư/ một vạn dân). Những năm qua, quán triệt sâu sắc tinh thần, truyền thống tốt đẹp của công tác hòa giải, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đã tiếp nhận, hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau phần lớn mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Điều này được khẳng định trong hầu hết các Báo cáo tổng kết công tác hòa giải ở cơ sở từ Trung ương tới các địa phương. Qua theo dõi của Bộ Tư pháp, từ năm 2014 đến năm 2021, các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiếp nhận, tiến hành hòa giải 1.123.483 vụ, việc (từ năm 2014 - 2018: 760.755 vụ, việc; năm 2019: 120.970 vụ, việc; năm  2020: 128.977 vụ, việc;  năm 2021: 112.026 vụ, việc); hòa giải thành 901.774 vụ, việc (từ 2014 - 2018: 612.807 vụ, việc; năm 2019: 97.735; năm 2020: 102.613 vụ, việc; năm 2021: 88.619 vụ, việc), đạt tỷ lệ 80,26%[5].

Như vậy, hàng năm, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải thành hơn 100.000 vụ việc. Điều này đã góp phần rất lớn vào ổn định trật tự, an toàn xã hội, giải tỏa những bức xúc, bất đồng trong nhân dân, từ đó mang lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho người dân. Nhiều hòa giải viên ở cơ sở cho biết, họ đã thực hiện hòa giải rất nhiều tranh chấp phức tạp, gặp nhiều vụ việc khó, các bên có quan điểm trái chiều, mâu thuẫn rất căng thẳng nhưng với sự kiên trì, mềm dẻo, từng bước họ đã hóa giải những mâu thuẫn đó, để hàn gắn những rạn vỡ, gây dựng lại mối quan hệ đã bị phá vỡ.

Một số tỉnh có số vụ, việc tiếp nhận hòa giải ở cơ sở cao và đã hòa giải thành trên 80% trong năm 2021 như: An Giang (93%); Bà Rịa – Vũng Tàu (91%); Đà Nẵng (91%), Hậu Giang (90%), Tuyên Quang (87%); Quảng Ngãi (85%); Hà Nội (81%)…
Thủ đô Hà Nội là địa bàn có nhiều mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh trong cộng đồng dân cư do đây là thành phố có lượng dân cư đông đúc đến từ nhiều địa phương trên cả nước để lập nghiệp, vì thế các quan hệ xã hội rất phức tạp. Trước thực trạng đó, cơ quan Tư pháp đã thường xuyên chỉ đạo, củng cố kiện toàn các tổ hòa giải, nâng cao bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, xác định đây là một lực lượng nòng cốt trong việc góp phần giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ngay tại địa phương, giảm bớt các tranh chấp đến các cơ quan cấp trên. Với nhiều mô hình, cách làm độc đáo, hàng năm tỷ lệ hòa giải thành công trên địa bàn Thành phố đều đạt trên 80%. Đăc biệt là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở của thành phố.

Tiêu chí “Tổ hòa giải 5 tốt”. Gồm 5 tiêu chí:
- Tiêu chí 1: Phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt, đạt tỷ lệ hòa giải thành 85% trở lên.
- Tiêu chí 2: Phối hợp tốt giữa Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể ở cơ sở, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Tiêu chí 3: Được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn hòa giải viên tốt.
- Tiêu chí 4: Được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật. 
- Tiêu chí 5: Định kỳ giao ban 06 tháng, hàng năm trao đổi kinh nghiệm hòa giải, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hòa giải; ghi chép, quản lý sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định.
Có thể nói, việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” và gắn mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố, cũng như sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND Thành phố trong công tác hòa giải đã giúp cho công tác hòa giải đi vào nề nếp, bài bản; quá trình thực hiện công tác hòa giải đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, gắn kết được người dân và chính quyền trong công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, giảm mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; khuyến khích chính quyền nhất là chính quyền cơ sở ở xã, phường, thị trấn quan tâm hơn đến công tác hòa giải về kinh phí, góp phần giải quyết điểm nóng, ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn Thủ đô.

Hay tại Tuyên Quang, do nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hòa giải thành trong giải quyết các tranh chấp ở các khu dân cư, UBND tỉnh Tuyên Quang đã luôn chú trọng đến công tác hòa giải ở cơ sở và xác định đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan Tư pháp địa phương nhằm đề cao năng lực sáng tạo của cán bộ, công chức và hòa giải viên, khuyến khích các cá nhân đề ra những sáng kiến, cách làm hay và phương pháp hòa giải hiệu quả, để từ đó nâng cao số lượng, chất lượng hòa giải thành. Tuyên Quang cũng là tỉnh rất quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của các tổ hòa giải và hòa giải viên cao nhất cả nước[6]. Chính vì vậy hàng năm, kết quả tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở của tỉnh đều đạt trên 85%. Năm 2021, Tuyên Quang đã hòa giải thành 4.724/5.423 vụ, việc, đạt tỷ lệ 87% và là tỉnh có tỷ lệ hòa giải thành cao nhất khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở cho thấy, có những vụ việc nếu không được phát hiện sớm, hòa giải kịp thời, thì chỉ từ những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp hết sức nhỏ, có khi chỉ là “con gà tức nhau tiếng gáy”, bất đồng về quan điểm sống..., mà trở thành phức tạp, “cái sảy nảy cái ung”, làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng, gay gắt, xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, sức khỏe, tính mạng của các bên, gây mất trật tự công cộng, làm tổn hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, thậm chí từ tranh chấp dân sự chuyển thành vi phạm pháp luật, phạm tội hình sự như những ví dụ sau:

1. Vụ nổ súng 2 người tử vong ở Thái Nguyên: Mâu thuẫn từ khoản vay 30 triệu
 
2. Ở huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội, ngày 01/9/2019 xảy ra vụ thảm án giữa anh trai và gia đình người em ruột của mình về phân chia đất do tổ tiên để lại.
 
3.  Vụ tranh chấp đất đai ở Bình Phước năm 2015 giữa hai anh em ruột thịt
 
4. Tranh chấp giữa hai anh em ruột về tranh giành nhà đất của cha mẹ để lại ở Hồ Chí Minh năm 2016
Từ những ví dụ trên và thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở cho thấy, nếu những tranh chấp dân sự, mâu thuẫn trong cộng đồng được giải quyết kịp thời thì sẽ không xảy ra sự việc nghiêm trọng, không bùng phát thành điểm nóng. Vì vậy có thể khẳng định việc tổ chức thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay sẽ góp phần giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, chủ động phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa, từ cơ sở theo tinh thần Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030./.
Nguyễn Kim Thoa
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
[1] Còn gọi là hoà giải cộng đồng hoặc hòa giải nhân dân.
[2] Số liệu thống kê chính thức năm 2021 của Bộ Tư pháp.
[3] Xem Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và nhiệm kỳ 2016 – 2020; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021 của các tòa án và Báo cáo số 423/BC-CA ngày 18/7/2018 của Tòa án nhân dân tối cao về đề nghị điểu chỉnh, bổ sung Thẩm phán sơ cấp cho Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
[4] Xem https://lsvn.vn/hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-hoat-dong-nam-2021-va-ban-phuong-huong-cong-tac-hoat-dong-nam-2022-cua-lien-doan-luat-su-viet-nam1645865667.html
[5] Theo Báo cáo số 265/BC-BTP ngày 29/7/2019 của Bộ Tư pháp Đánh giá 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; Quyết định số 1352/QĐ-BTP ngày 04/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về công bố Tài liệu phổ biến thông tin thống kê năm 2019 của Bộ Tư pháp; Quyết định số 1122/QĐ-BTP ngày 08/7/2021 cuả Bộ trưởng Bộ Tư pháp về công bố Tài liệu phổ biến thông tin thống kê năm 2020 của Bộ Tư pháp; Số liệu thống kê chính thức năm 2021 của Bộ Tư pháp.
[6] Năm 2021, kinh phí hỗ trợ tổ hòa giải/hòa giải viên của tỉnh là 3.667.663.888 đồng.
Các tin đã đưa ngày: