Liên kết website

Khái niệm, nội dung, hình thức tiếp cận pháp luật

21/02/2017

TS. Đỗ Xuân Lân Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

1. Khái niệm tiếp cận pháp luật
Tiếp cận pháp luật là một khái niệm mới xuất hiện trong những năm gần đây, nhất là trong điều kiện hội nhập, gắn với quá trình hợp tác quốc tế về pháp luật và hiện chưa được làm sáng tỏ, cả về nhận thức lý luận, tổng kết thực tiễn cũng như trong các văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước ta. Khi bàn về tiếp cận pháp luật, có ý kiến đồng nhất với quyền được thông tin pháp luật và tiếp cận dịch vụ pháp lý[1] hoặc nhìn nhận tiếp cận pháp luật như là quyền và nghĩa vụ của công dân đồng thời cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhà nước[2], thậm chí, có ý kiến đồng nhất tiếp cận pháp luật với quyền tiếp cận pháp luật, với nội hàm là quyền được tiếp cận thông tin pháp luật, quyền được hiểu pháp luật và quyền được sử dụng, thực hiện pháp luật hoặc bảo vệ các quyền của mình đã được pháp luật quy định[3].
Để làm sáng tỏ nội hàm của khái niệm tiếp cận pháp luật cần phải nhìn từ nhiều góc độ. Về mặt ngôn ngữ học, tiếp cận pháp luật được cấu thành bởi thành tố “tiếp cận” và “pháp luật”. Thuật ngữ “tiếp cận”, theo tiếng Anh được đồng nhất với “quyền tiếp cận, quyền được sử dụng, được phép tiếp cận hoặc là lối vào, lối đi qua”[4], còn theo nghĩa Hán - Việt là làm cho một cái gì đó “gần sát nhau” hơn với một cái khác hoặc là “tiến sát gần”, là “ở gần, kề cạnh”[5]; “tiếp cận” chính là quá trình tương tác giữa chủ thể này với một chủ thể khác nhằm đạt được một mục tiêu xác định. Còn “pháp luật” được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị trong xã hội và là nhân tố điều chỉnh các mối quan hệ xã hội (hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí nhà nước của giai cấp thống trị trên cơ sở ghi nhận các nhu cầu về lợi ích của toàn xã hội, được bảo đảm thực hiện bằng Nhà nước nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội với mục đích trật tự và ổn định xã hội vì sự phát triển bền vững của xã hội)[6].
Dưới góc độ nhận thức, theo nghĩa rộng, tiếp cận pháp luật là một quá trình nhận thức về một hiện tượng xã hội đặc biệt, tồn tại khách quan đó là pháp luật, bao gồm các quy định của pháp luật thực định - yếu tố tĩnh, vừa là sự vận hành của pháp luật trong thực tiễn, trong sự vận động, phát triển và tương tác với các yếu tố khác - yếu tố động. Thông qua quá trình nhận thức này sẽ giúp chủ thể pháp luật có được những tri thức cơ bản về pháp luật, nắm bắt được những quy định, những nội dung, tinh thần của pháp luật, quá trình phát sinh, phát triển và tiêu vong của pháp luật; giúp tìm ra những quy luật cơ bản, điển hình của pháp luật và quy luật vận động của pháp luật trong thực tiễn đời sống với tư cách là một hiện tượng xã hội; thấy được pháp luật như là một bộ phận cấu thành chỉnh thể xã hội, trong sự tương tác qua lại và mối liên hệ lẫn nhau giữa pháp luật với các hiện tượng khác. Quá trình nhận thức đó có thể do chủ thể tự nhận thức, tự tiếp cận, tìm hiểu nhưng cũng có thể do có sự tác động của chủ thể khác một cách gián tiếp, nhất là sự tác động từ phía Nhà nước và xã hội thông qua các hoạt động cụ thể.
Như vậy, nếu tiếp cận theo hướng này, tiếp cận pháp luật là quá trình nắm bắt hiện thực xã hội được phản ánh trong pháp luật - nắm bắt các khía cạnh pháp lý của hiện thực được phản ánh trong pháp luật để qua đó hình thành tri thức hiểu biết về pháp luật, hình thành ý thức pháp luật, tình cảm pháp luật, niềm tin pháp luật và hành vi pháp luật, tạo sự gắn kết giữa pháp luật với thực tiễn và sự thể hiện của thực tiễn trong pháp luật. Quá trình này vận động theo xu hướng đi từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều, từ đơn giản đến phức tạp, từ nắm bắt những cái đơn lẻ đến việc nắm bắt cái chung, từ chỗ nắm bắt được những yếu tố bộ phận đến nắm bắt, hiểu biết sâu sắc và đầy đủ về hệ thống pháp luật. Chủ thể pháp luật từ chỗ nắm bắt những quy định của pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ gắn liền với lợi ích thiết thân, hàng ngày của mình đến việc hiểu biết những quy định liên quan đến các lĩnh vực, các nhóm quan hệ xã hội theo hướng chuyên sâu theo ngành nghề và cao hơn. Họ có thể hành nghề luật, biết phân tích đầy đủ các khía cạnh pháp lý của hiện thực, dự báo hậu quả pháp lý phát sinh từ việc thực hiện pháp luật; biết lấy kiến thức pháp luật của mình để giúp đỡ người khác; nắm bắt không chỉ từng lĩnh vực pháp luật chuyên sâu mà còn nắm bắt trong chỉnh thể hệ thống pháp luật; nắm bắt mối quan hệ của pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế; nhận thức các học thuyết pháp luật, trường phái pháp luật, tìm ra quy luật vận động và phát triển của pháp luật trong từng giai đoạn lịch sử và mối quan hệ giữa pháp luật của quá khứ với pháp luật trong hiện tại và xu hướng vận động của pháp luật trong tương lai để từ đó giúp chủ thể pháp luật nắm bắt các quy luật vận động nội tại của pháp luật và mối quan hệ của pháp luật với các hiện tượng xã hội khác…
Quá trình tiếp cận pháp luật không chỉ hình thành tri thức hiểu biết về pháp luật mà còn hình thành ý thức pháp luật, tình cảm pháp luật, tâm lý pháp luật, đời sống pháp luật, hành vi pháp luật, từ đó hình thành ở chủ thể tính tích cực và sự chủ động trong việc tham gia vào các quan hệ xã hội, giúp họ vận dụng tri thức hiểu biết đó vào cải tạo xã hội, cải tạo thực tiễn, kiểm nghiệm tính đúng đắn, khách quan và phù hợp của pháp luật trong thực tiễn.
Ở góc độ hẹp hơn, tiếp cận pháp luật là quá trình nhận thức pháp luật với tư cách là những yếu tố tĩnh, thuần túy pháp lý tách rời các mối quan hệ hiện thực - đó là quá trình nắm bắt những quy định của pháp luật qua việc nghiên cứu, tìm hiểu các quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, các tiền lệ pháp, các tập quán pháp, giúp chủ thể hình thành tri thức về pháp luật (trong không gian, thời gian xác định). Các tri thức hiểu biết về pháp luật sẽ giúp chủ thể pháp luật nhận thức được giới hạn hành vi được làm, hạn chế làm, hành vi bị nghiêm cấm, hành vi không được làm… Từ đó, giúp mỗi chủ thể pháp luật tránh được những vi phạm, chủ động và tích cực tham gia vào các quan hệ xã hội để thực thi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; tôn trọng, tuân thủ và bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội và lợi ích của chủ thể pháp luật khác; tham gia phòng ngừa, đấu tranh và chống mọi hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, với những góc độ tiếp cận trên đây cho thấy, tiếp cận pháp luật vừa là một nhu cầu khách quan, vừa là yêu cầu đối với chủ thể pháp luật trong xã hội có giai cấp và Nhà nước, khi mà pháp luật trở thành quy tắc xử sự chung của cả cộng đồng và đòi hỏi các cá nhân trong cộng đồng đó phải có trách nhiệm tuân thủ, tự giác chấp hành. Mỗi chủ thể pháp luật đều cần biết được vị trí, vai trò của mình trong xã hội, trong cộng đồng, những cái mà xã hội, cộng đồng dành cho mình cũng như giới hạn hành vi được phép hành động. Yêu cầu của xã hội thể hiện ở chỗ pháp luật là ý chí chung, mọi chủ thể đều có trách nhiệm nắm bắt và tuân thủ, qua đó thấy được giới hạn thực hiện hành vi phù hợp với yêu cầu chung của cả cộng đồng và không xâm hại lợi ích của các chủ thể khác. Với cách tiếp cận đó, có thể định nghĩa tiếp cận pháp luật là quá trình nhận thức về pháp luật với tư cách là một hiện tượng xã hội đặc biệt nhằm hình thành ở các chủ thể pháp luật tri thức hiểu biết về pháp luật, cách thức sử dụng pháp luật vào từng quan hệ xã hội cụ thể, qua đó nâng cao ý thức pháp luật, hình thành tình cảm pháp luật, tâm lý pháp luật, đời sống pháp luật và hành vi pháp luật.
2. Nội dung tiếp cận pháp luật
Hiện chưa có công trình nghiên cứu nào phân tích, làm rõ nội dung của TCPL, do vậy, có thể nói đây là một vấn đề lý luận còn khá mới mẻ. Nhìn từ góc độ phương pháp luận, nội dung là một phạm trù chỉ tổng hợp tất cả những mặt, những yếu tố, những quá trình tạo nên sự vật. Với cách tiếp cận này, nội dung của TCPL là tổng hợp những mặt, những yếu tố, những quá trình tiếp cận pháp luật, cụ thể bao gồm:
Thứ nhất, quá trình nắm bắt, tìm hiểu, nhận thức về pháp luật và thực tiễn đời sống pháp lý (sự vận hành của pháp luật trong thực tiễn). Quá trình nhận thức pháp luật bao hàm nhiều vấn đề hợp thành như kiến thức hiểu biết cơ bản về pháp luật; những vấn đề nảy sinh trong mối liên hệ với pháp luật hiện hành; những yêu cầu mang tính chế ước của pháp luật và những vấn đề trong mối quan hệ của việc vận dụng những mệnh lệnh mang tính pháp luật[7]. Thông qua quá trình nhận thức đó, giúp các chủ thể hình thành tri thức hiểu biết về pháp luật một cách hệ thống, toàn diện (bao gồm tri thức hiểu biết về các quy định cụ thể của hệ thống pháp luật thực định được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật và tri thức hiểu biết cơ bản về Nhà nước và pháp luật). Quá trình nhận thức đó được vận hành theo quy luật của quá trình nhận thức, từ biết ít đến biết nhiều, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện, từ bộ phận, cá biệt đến tổng thể, hệ thống (bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai) để thấy được quy luật vận động, phát triển và biến đổi của các hiện tượng nhà nước và pháp luật cũng như các quy định của hệ thống pháp luật thực định đặt trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Thứ hai, quá trình vận dụng kiến thức, tri thức hiểu biết về pháp luật để thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý trong từng sự kiện, hoàn cảnh, tình huống pháp lý cụ thể cũng như quá trình vận dụng, sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể pháp luật. Đây chính là quá trình chuyển tải từ tri thức hiểu biết pháp luật thành hành vi pháp luật cụ thể của chủ thể trong quá trình tham gia vào các quan hệ xã hội, khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của chủ thể trước Nhà nước, trước xã hội và trước các chủ thể khác. Thông qua quá trình này, giúp các chủ thể nhận thức, ý thức được về các hành vi hợp pháp, hành vi tích cực được xã hội chấp thuận, ủng hộ; các hành vi bất hợp pháp, tiêu cực, bị xã hội lên án, phê phán. Quá trình này không chỉ giúp chủ thể pháp luật nhận thức được hành vi của mình, mà còn nhận thức được hành vi của chủ thể khác; thấy được các quy tắc, chuẩn mực hành vi xử sự để từ đó lựa chọn biện pháp xử sự phù hợp và tích cực nhất, không xâm hại đến chủ thể khác; đồng thời tham gia vào quá trình duy trì, củng cố trật tự chung, tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Nói cách khác, đây là quá trình gắn liền với việc giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với sự điều chỉnh của pháp luật đối với các quan hệ xã hội, qua đó, giúp cho mọi công dân nắm được một cách chung nhất các tình huống pháp luật và cách xử lý đối với các hình huống đó. Sự hiểu biết pháp luật của người dân càng đầy đủ, sâu sắc thì hiện tượng vi phạm pháp luật càng giảm xuống, càng tránh được những trường hợp vi phạm pháp luật do nguyên nhân kém hiểu biết pháp luật.
Thứ ba, quá trình nhận thức về các hành vi xã hội, về sự thẩm thấu của pháp luật trong đời sống xã hội, gắn với quá trình tác động của đời sống Nhà nước và pháp luật lên các chủ thể pháp luật, qua đó, giúp các chủ thể pháp luật hình thành tình cảm pháp luật, thói quen ứng xử phù hợp với các chuẩn mực, đòi hỏi của pháp luật. Quá trình này giúp cho mọi thành viên của xã hội nắm bắt kịp thời nội dung các văn bản pháp luật mới được ban hành, biết vận dụng nó vào việc giải quyết các vấn đề cụ thể trong đời sống. Từ đó, mỗi người phát huy tinh thần tự giác, tích cực, tham gia xây dựng, thực thi pháp luật, thể hiện quan điểm, chính kiến, thái độ và hành vi ứng xử của mình với pháp luật. Phát huy dân chủ, tinh thần làm chủ của mỗi người dân, để từ đó hình thành văn hóa tuân thủ, chấp hành pháp luật, lấy pháp luật làm chuẩn mực hành vi của mỗi người để mọi người không chỉ nắm vững quy định của pháp luật, có được tri thức hiểu biết pháp luật đúng đắn, có hệ thống và toàn diện mà còn biết vận dụng pháp luật một cách chính xác, đầy đủ trong những trường hợp, hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Chủ thể pháp luật thấy được pháp luật là công cụ bảo vệ mình, kiến tạo sự phát triển xã hội, khai thông mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy những hành vi tích cực, hạn chế những hành vi tiêu cực chứ không phải chỉ là công cụ cai trị, quản lý xã hội và trừng trị đối với các hành vi vi phạm, từ đó giác ngộ, tham gia xây dựng đời sống chính trị, pháp lý, đạo đức của xã hội xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, ở mức độ sâu hơn, nội dung tiếp cận pháp luật còn hướng đến những giá trị, chuẩn mực chung được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Thấy được quy luật vận động, biến đổi, tác động, chi phối của các hiện tượng pháp luật cũng như sự tác động của điều kiện địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa - xã hội, của cả các nhân tố khách quan và chủ quan lên đời sống pháp luật. Từ đó, thấy được quy luật vận động, phát sinh, phát triển và tiêu vong của các hiện tượng pháp luật, hình thành ý thức pháp luật, văn hóa pháp luật, tư tưởng, học thuyết chính trị - pháp lý để tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, định hướng sự phát triển của xã hội trong trật tự, phù hợp với quy luật vận động tất yếu của pháp luật trong cuộc sống để từ đó hình thành những hành vi phù hợp với quy luật vận động, phát triển của hiện tượng pháp luật.
3. Hình thức tiếp cận pháp luật
Về mặt phương pháp luận, hình thức là một phạm trù chỉ phương thức tồn tại và phát triển của sự vật, là hệ thống các mối liên hệ tương đối bền vững giữa các yếu tố của sự vật đó, đặt nó trong mối quan hệ với nội dung tiếp cận pháp luật. Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu này, hình thức tiếp cận pháp luật được hiểu là những công cụ, cách thức, biện pháp với tư cách là cầu nối, là công cụ gắn kết giữa pháp luật với chủ thể pháp luật để đưa pháp luật đến với các chủ thể, gắn kết chủ thể với pháp luật. Mối tương quan giữa tiếp cận pháp luật với các hình thức tiếp cận pháp luật là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Các chủ thể nếu muốn tiếp cận pháp luật thì phải thông qua các hình thức cụ thể và qua đó, pháp luật có thể đến được với chủ thể cũng như các chủ thể có được tri thức pháp luật, ý thức pháp luật để có thể chủ động tham gia vào các quan hệ xã hội; không chỉ bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình mà còn bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng và lợi ích của chủ thể pháp luật khác.
Về vấn đề này, C. Mác đã từng nhấn mạnh: “Hình thức sẽ không có một chút giá trị nào, nếu đó không phải là hình thức của nội dung”[8]. Các hình thức tiếp cận pháp luật chỉ có giá trị khi nó có khả năng phản ánh được nội dung và những đặc điểm thuộc về bản chất của tiếp cận pháp luật. Hình thức tiếp cận pháp luật trả lời cho câu hỏi: Bằng cách nào các chủ thể tiếp cận được với pháp luật hay pháp luật đến với các chủ thể pháp luật qua những cách thức, biện pháp nào? Các hình thức tiếp cận pháp luật chính là những cách thức, công cụ để đưa pháp luật đến với chủ thể pháp luật cũng như để chủ thể pháp luật có thể nắm bắt các quy định của pháp luật và sự vận hành của pháp luật trong đời sống, nâng cao tri thức hiểu biết về pháp luật, biết vận dụng và sử dụng pháp luật vào các quan hệ xã hội cụ thể để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình được pháp luật ghi nhận. Có một số hình thức tiếp cận pháp luật cơ bản sau đây:
Một là, hình thức thông tin pháp luật do Nhà nước và các tổ chức đoàn thể xã hội, các cá nhân tích cực thiết lập nên, nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về các quy định của pháp luật trong hệ thống pháp luật thực định, được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật để người dân có thể chủ động tiếp cận hoặc tìm hiểu mỗi khi có nhu cầu. Trong đó, đáng chú ý nhất là hệ thống thông tin pháp luật mang tính chính thức từ phía Nhà nước để công khai hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật cho toàn dân, đặc biệt là Công báo và hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật trên mạng diện rộng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương và hệ thống thông tin pháp luật của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo pháp luật, các cơ quan bảo vệ pháp luật và hệ thống sách báo pháp lý, các nhà xuất bản như là hệ thống tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài những nội dung trên, thông tin pháp luật còn bao gồm các kiến thức cơ bản (tri thức hiểu biết, hệ thống lý luận, tư tưởng) về Nhà nước và pháp luật với tư cách là thể chế vận hành của xã hội và nhận thức của xã hội về các vấn đề Nhà nước và pháp luật trong từng giai đoạn, điều kiện lịch sử cụ thể.
Hai là, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức, cá nhân, các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật, các trường học, các thiết chế xã hội, đặc biệt là các hoạt động tích cực của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Hình thức này có khả năng truyền tải pháp luật đến với đông đảo nhân dân trong một thời gian ngắn; được thực hiện xuất phát từ mong muốn của Nhà nước, xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước, gắn liền với quá trình tổ chức thực hiện pháp luật. Hình thức này thường thì không gắn liền với nhu cầu của công chúng, ít gắn kết với các vụ việc cụ thể. Theo đó, phổ biến pháp luật là việc giới thiệu tinh thần văn bản pháp luật cho các đối tượng hoặc truyền bá pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước; còn giáo dục pháp luật là quá trình nâng cao tri thức pháp luật cho đối tượng và bằng mọi cách (thuyết phục, nêu gương, ám thị…) hình thành tình cảm, niềm tin pháp luật, từ đó nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của mọi người. Giáo dục pháp luật là hoạt động có định hướng, có mục đích trang bị kiến thức pháp lý, nhằm hình thành ở người được giáo dục những tình cảm pháp lý và hành vi phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật là cách thức truyền bá pháp luật cho đối tượng nhằm nâng cao tri thức, tình cảm niềm tin pháp luật cho đối tượng từ đó nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của đối tượng[9]
Ba là, hình thức dịch vụ pháp lý, bao gồm dịch vụ pháp lý có thu phí (do các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn viên pháp luật và các trung tâm tư vấn pháp luật cung cấp) và dịch vụ pháp lý không thu phí (do các luật sư, các trung tâm, chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý, các tổ chức đoàn thể xã hội thực hiện) nhằm giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý cũng như bảo vệ các quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định. Dịch vụ pháp lý được hiểu là tổng thể các dịch vụ tư vấn pháp luật và dịch vụ đại diện pháp lý được định lập và thực hiện theo quy định pháp luật của nước nơi các dịch vụ đó được định lập và có thể được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật nội dung và thủ tục tố tụng khác nhau của hệ thống pháp luật quốc gia[10]. Ở Việt Nam, nói đến dịch vụ pháp lý, xét về chủ thể thường bao gồm dịch vụ pháp lý do luật sư cung cấp theo Luật Luật sư, dịch vụ pháp lý của các tổ chức trợ giúp pháp lý cung cấp theo Luật Trợ giúp pháp lý và dịch vụ tư vấn pháp luật của các tổ chức tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức đoàn thể xã hội, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật thực hiện. Còn xét về nội hàm, dịch vụ pháp lý bao gồm:
- Dịch vụ đại diện pháp luật (tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng), đó là việc người đại diện thay mặt cho khách hàng trước cơ quan có thẩm quyền, trước bạn hàng của khách hàng để thực hiện các công việc đúng pháp luật, theo sự ủy quyền của khách hàng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và có thu phí. Cơ quan có thẩm quyền có thể là cơ quan tư pháp, cơ quan hành chính hoặc tổ chức có quyền tư pháp; người đại diện trực tiếp thực hiện các công việc trước các cơ quan, tổ chức này thay mặt cho khách hàng và không nằm ngoài phạm vi đã được thoả thuận trước khách hàng. Dịch vụ đại diện pháp luật cũng giống như đại diện theo uỷ quyền trong quan hệ pháp luật dân sự. Chỉ khác ở chỗ là người đại diện là người có chức danh, có hiểu biết về mặt pháp lý, được pháp luật cho phép thực hiện các công việc mà khách hàng uỷ quyền; văn bản uỷ quyền trong trường hợp này chính là hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý giữa người đại diện và khách hàng.
- Dịch vụ tư vấn pháp luật là hoạt động cung cấp các ý kiến pháp lý nói chung của người có kiến thức về mặt pháp lý được pháp luật quy định cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu (gọi là khách hàng) và khách hàng sẽ phải trả một khoản phí tương ứng. Nói cách khác, theo yêu cầu của khách hàng, người tư vấn pháp luật sẽ đưa ra các ý kiến pháp lý đối với trường hợp mà khách hàng đưa ra, thực hiện các công việc theo yêu cầu của khách hàng, hướng dẫn khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ một cách tốt nhất. Tư vấn pháp luật có thể là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn thực hiện pháp luật, sau đó có thể thực hiện các công việc pháp lý giúp khách hàng, chẳng hạn như soạn thảo hợp đồng mà khách hàng là một bên trong hợp đồng. 
- Dịch vụ pháp lý khác bao gồm giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, dịch vụ pháp lý là những hoạt động giải đáp, hướng dẫn, áp dụng pháp luật để giải quyết một sự kiện, một tình huống, một vấn đề cụ thể trong quan hệ xã hội. Qua việc thực hiện các dịch vụ pháp lý, người cung ứng dịch vụ sẽ cung cấp những chuẩn mực, phương thức, mức độ trong thái độ, hành vi ứng xử để giải quyết các vấn đề ở những phạm vi không gian và thời gian nhất định. Cung ứng các dịch vụ pháp lý chính là một hoạt động nghề nghiệp của những người có kiến thức hiểu biết pháp luật chuyên sâu và pháp luật trở thành chuẩn mực. Người làm dịch vụ phải đưa ra các quy định pháp luật cụ thể để hướng dẫn, giải quyết vụ việc. Yếu tố cơ bản để xác định chất lượng hoạt động là chất lượng dịch vụ dựa trên phẩm chất cá nhân người làm dịch vụ, bao gồm kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, ngoài kiến thức pháp luật, người cung cấp dịch vụ pháp lý còn phải có kiến thức về thị trường, về xã hội, có năng lực ứng xử và tiếp cận thông tin, kinh nghiệm, vốn sống, uy tín cá nhân cộng với ý thức trách nhiệm trước khách hàng và trước pháp luật. Hoạt động cung ứng dịch vụ pháp lý đòi hỏi người hành nghề phải thực sự khách quan, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và vì lợi ích của khách hàng; ngoài yếu tố kinh doanh, người cung cấp dịch vụ pháp lý còn phải góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội, nên phải có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp.
Bốn là, các hình thức giúp đỡ pháp luật mang tính chất nhà nước được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức nhà nước; các cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong quá trình thực thi công vụ, giải quyết các công việc gắn liền với quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Năm là, các hình thức giúp đỡ pháp luật mang tính cộng đồng được thực hiện bởi các tổ chức đoàn thể xã hội trong quá trình giúp đỡ, vận động các thành viên, hội viên thực hiện pháp luật; qua hoạt động của các tổ hoà giải ở cơ sở, các cá nhân có uy tín trong cộng đồng và các cá nhân có kiến thức pháp luật.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng các hình thức tiếp cận pháp luật trên đây chủ yếu là các hình thức tác động từ phía Nhà nước và xã hội lên chủ thể như là những nhân tố khách quan mà chưa bao hàm nhân tố chủ quan, trong khi đó, nhân tố chủ quan trong tiếp cận pháp luật lại rất quan trọng. Đây là nhân tố quyết định đến nội dung tiếp cận pháp luật bởi lẽ nó xuất phát từ chính nhu cầu của các chủ thể pháp luật. Chính từ nhu cầu của mình, mỗi chủ thể sẽ tích cực, tự giác, chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật; nắm bắt và nâng cao tri thức hiểu biết về pháp luật để từ đó chuyển tải thành những hành vi tích cực pháp luật cụ thể, kiềm chế đến mức thấp nhất việc thực hiện các hành vi vi phạm, tiêu cực hoặc xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.
 

[1] Bộ Tư pháp, Kỷ yếu Hội thảo Tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, Hà Nội, ngày 25/3/2015.
[2] TS. Tạ Thị Minh Lý, Một số vấn đề lý luận về tiếp cận pháp luật, Kỷ yếu Hội thảo Tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, Hà Nội, ngày 25/3/2015.
[3] TS. Nguyễn Văn Tuân, Tiếp cận pháp luật nhìn từ góc độ tiếp cận công lý, Kỷ yếu Hội thảo Tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, Hà Nội, ngày 25/3/2015.
[4] TS. Vũ Trọng Hùng, PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung, PGS.TS Vũ Trọng Khải, TS. Phan Thăng (2000), Từ điển Pháp luật Anh - Việt, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 18.
[5] Nguyễn Như Ý  (chủ biên), 1999, Đại Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn hoá - Thông tin, tr. 1637.
[6] Đại học Quốc gia Hà Nội (2005), PGS.TS. Hoàng Thị Kim Quế (chủ biên), Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 288.
[7] Nguyễn Đình Đăng Lục, Giáo dục pháp luật và quá trình hình thành nhân cách, Nxb. Pháp lý, 1990, tr. 32.
[8] C. Mác, Ph. Ăng - ghen (1995), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, trang 172;
[9] Bộ Tư pháp (2002), Chương trình phát triển Liên hiệp quốc: Dự án VIE/98/001 “Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam - giai đoạn II”, Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (Kỷ yếu Dự án), Hà Nội, tr. 7 - 8.
[10] Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp (2005), Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam: Thực trạng, nhu cầu và định hướng phát triển, tr. 11.
Các tin đã đưa ngày: