Liên kết website

80 câu hỏi đáp và tình huống pháp luật dành cho học viên Trung tâm học tập cộng đồng

03/10/2013

Chủ đề 1. Một số quy định pháp luật về Hợp tác xã (20 câu)

 

Câu 1. Xin cho biết Nhà nước có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi như thế nào đối với hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 6 Luật hợp tác xã năm 2012, nhà nước có những chính sách hỗ trợ sau đây đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:

- Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực;

- Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;

- Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới;

- Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã;

- Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội;

- Thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Nhà nước có chính sách ưu đãi sau đây đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:

- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế;

- Ưu đãi lệ phí đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo quy định nêu trên còn được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi sau đây:

- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng;

- Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Ưu đãi về tín dụng;

- Vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh;

- Chế biến sản phẩm.

 

Câu 2. Để hỗ trợ nông dân trong vùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mấy anh chị em chúng tôi dự định thành lập hợp tác xã kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Xin cho biết nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hợp tác xã?

Trả lời

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng, dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Hợp tác xã được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc sau:

- Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi hợp tác xã.

-  Hợp tác xã kết nạp rộng rãi thành viên.

-  Thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã; được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ.

-  Hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật.

-  Thành viên và hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện cam kết theo hợp đồng dịch vụ và theo quy định của điều lệ. Thu nhập của hợp tác xã được phân phối chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên hoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm.

-  Hợp tác xã quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, cán bộ quản lý, người lao động trong hợp tác xã và thông tin về bản chất, lợi ích của hợp tác xã.

-  Hợp tác xã chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên và hợp tác với nhau nhằm phát triển phong trào hợp tác xã trên quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.

 

Câu 3. Xin cho biết hợp tác xã có nghĩa vụ gì ?

Trả lời

Theo Điều 9 Luật hợp tác xã năm 2012, hợp tác xã có các nghĩa vụ sau:

- Thực hiện các quy định của điều lệ.

- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên.

- Hoạt động đúng ngành, nghề đã đăng ký.

- Thực hiện hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã với thành viên.

- Thực hiện quy định của pháp luật về tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán, thống kê.

- Quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các quỹ của hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

- Quản lý, sử dụng đất và tài nguyên khác được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật.

- Ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.

- Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho thành viên.

- Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của hợp tác xã theo quy định của Chính phủ.

- Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho thành viên theo quy định của pháp luật.

 

Câu 4. Các bạn tôi đã thành lập hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Gia đình tôi cũng muốn góp vốn tham gia hợp tác xã. Xin hỏi, hộ gia đình có thể là thành viên hợp tác xã được không? Pháp luật quy định thế nào về điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã ?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 13 Luật hợp tác xã năm 2012, hộ gia đình cũng như cá nhân hoặc pháp nhân được trở thành thành viên hợp tác xã khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam.

Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân;

- Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;

- Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã;

- Góp vốn theo quy định của Luật hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã;

- Điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã.

Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có thể là thành viên của nhiều hợp tác xã; trừ trường hợp điều lệ hợp tác xã có quy định khác.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên thì hộ gia đình có thể là thành viên hợp tác xã trừ hợp tác xã tạo việc làm.

 

Câu 5. Thành viên hợp tác xã có quyền gì ?

Trả lời

Điều 14 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định thành viên hợp tác xã có các quyền sau:

- Được hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ.

- Được phân phối thu nhập theo quy định của Luật hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã.

- Được hưởng các phúc lợi của hợp tác xã.

- Được tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự đại hội thành viên.

- Được biểu quyết các nội dung thuộc quyền của đại hội thành viên theo quy định.

- Ứng cử, đề cử thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh khác được bầu của hợp tác xã.

- Kiến nghị, yêu cầu hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên giải trình về hoạt động của hợp tác xã; yêu cầu hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên triệu tập đại hội thành viên bất thường theo quy định của Luật hợp tác xã và điều lệ.

- Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã.

- Ra khỏi hợp tác xã theo quy định của điều lệ.

- Được trả lại vốn góp khi ra khỏi hợp tác xã theo quy định của Luật hợp tác xã và điều lệ.

- Được chia giá trị tài sản được chia còn lại của hợp tác xã theo quy định của Luật hợp tác xã và điều lệ.

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

- Quyền khác theo quy định của điều lệ.

 

Câu 6. Do quản lý không tốt, hợp tác xã Thành công lâm vào tình trạng nợ nần, có nguy cơ phá sản. Hội đồng quản trị hợp tác xã dự định chia đều số nợ của hợp tác xã cho các thành viên hợp tác xã. Xin hỏi dự định của Hội đồng quản trị hợp tác xã Thành công về phân chia số nợ của hợp tác xã cho các thành viên hợp tác xã như vậy có đúng không? Nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời

Về nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã, Điều 15 Luật hợp tác xã, quy định như sau:

1. Sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã theo hợp đồng dịch vụ.

2. Góp đủ, đúng thời hạn vốn góp đã cam kết theo quy định của điều lệ.

3. Chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trong phạm vi vốn góp vào hợp tác xã.

4. Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

5. Tuân thủ điều lệ, quy chế của hợp tác xã, nghị quyết đại hội thành viên và quyết định của hội đồng quản trị hợp tác xã.

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của điều lệ.

Như vậy, việc Hội đồng quản trị hợp tác xã Thành công dự định chia đều số nợ của hợp tác xã cho các thành viên hợp tác xã là trái quy định pháp luật, vì theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Luật hợp tác xã năm 2012, các thành viên hợp tác xã chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trong phạm vi vốn góp vào hợp tác xã.

 

Câu 7. Đề nghị cho biết, trong trường hợp nào thì tư cách thành viên hợp tác xã bị chấm dứt? Thẩm quyền chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã ?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 16 Luật hợp tác xã năm 2012 thì tư cách thành viên hợp tác xã bị chấm dứt khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Thành viên là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị kết án phạt tù theo quy định của pháp luật;

b) Thành viên là hộ gia đình không có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; thành viên là pháp nhân bị giải thể, phá sản;

c) Hợp tác xã bị giải thể, phá sản;

d) Thành viên tự nguyện ra khỏi hợp tác xã;

đ) Thành viên bị khai trừ theo quy định của điều lệ;

e) Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 03 năm. Đối với hợp tác xã tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 02 năm;

g) Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên không góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong điều lệ;

h) Trường hợp khác do điều lệ quy định.

Thẩm quyền quyết định chấm dứt tư cách thành viên được pháp luật quy định như sau:

- Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d và e thì hội đồng quản trị quyết định và báo cáo đại hội thành viên gần nhất;

- Đối với trường hợp quy định tại các điểm đ, g và h thì hội đồng quản trị trình đại hội thành viên quyết định sau khi có ý kiến của ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên.

Việc giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ đối với thành viên trong trường hợp chấm dứt tư cách thành viên thực hiện theo quy định của Luật và điều lệ hợp tác xã.

 

Câu 8. Do có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã và hợp tác với các thành viên, anh T đã có đơn tự nguyện gia nhập hợp tác xã và tán thành điều lệ hợp tác xã. Một trong những điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã là phải góp vốn theo quy định. Anh T muốn biết để gia nhập hợp tác xã, anh phải góp vốn là bao nhiêu? Thời gian góp vốn được quy định như thế nào? Anh có được cấp giấy tờ gì để xác nhận việc anh đã góp vốn?

Trả lời

Vấn đề mà anh T quan tâm được quy định tại Điều 17 Luật hợp tác xã năm 2012.

Cụ thể, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.

Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ theo quy định của điều lệ, nhưng thời hạn góp đủ vốn không vượt quá 06 tháng, kể từ ngày hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoặc kể từ ngày được kết nạp.

Khi góp đủ vốn, thành viên hợp tác xã được hợp tác xã cấp giấy chứng nhận vốn góp. Giấy chứng nhận vốn góp có các nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã;

- Số và ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;

- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của thành viên là cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp cho hộ gia đình;

Trường hợp thành viên là pháp nhân thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân;

- Tổng số vốn góp, thời điểm góp vốn;

- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã.

 

Câu 9. Ông K thành viên hợp tác xã V chẳng may bị bệnh mất. Xin hỏi, con trai ông K có được thừa kế phần vốn góp của ông K trong hợp tác xã không? Pháp luật quy định thế nào về việc trả lại vốn góp, thừa kế vốn góp?

Trả lời

Việc trả lại vốn góp, thừa kế vốn góp được quy định tại Điều 18 Luật hợp tác xã năm 2012 như sau:

- Hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên, hoặc trả lại phần vốn vượt quá mức vốn góp tối đa khi vốn góp của thành viên vượt quá mức vốn tối đa quy định (vượt quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã).

- Trường hợp thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế nếu đáp ứng đủ điều kiện của Luật hợp tác xã và điều lệ, tự nguyện tham gia hợp tác xã thì trở thành thành viên và tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thành viên; nếu không tham gia hợp tác xã thì được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố mất tích, việc trả lại vốn góp và quản lý tài sản của người mất tích được thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì vốn góp được trả lại thông qua người giám hộ.

- Trường hợp thành viên là pháp nhân, hợp tác xã thành viên bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản thì việc trả lại, kế thừa vốn góp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp vốn góp của thành viên là cá nhân không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì vốn góp được giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp người thừa kế tự nguyện để lại tài sản thừa kế cho hợp tác xã thì vốn góp đó được đưa vào tài sản không chia của hợp tác xã.

Căn cứ quy định nêu trên, nếu con trai ông K không tham gia hợp tác xã thì được hưởng thừa kế phần vốn góp vào hợp tác xã của ông K theo quy định của pháp luật.

 

Câu 10. Những ai có thể là sáng lập viên hợp tác xã? Để thành lập hợp tác xã, sáng lập viên hợp tác xã có phải làm gì?

Trả lời

Điều 19 Luật hợp tác xã năm 2012 quy định sáng lập viên hợp tác xã là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện cam kết sáng lập, tham gia thành lập hợp tác xã.

Để thành lập hợp tác xã, sáng lập viên hợp tác xã thực hiện các công việc sau:

- Vận động, tuyên truyền thành lập hợp tác xã;

- Xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dự thảo điều lệ hợp tác xã;

- Thực hiện các công việc để tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã.

 

Câu 11. Xin cho biết, những ai được tham gia Hội nghị thành lập hợp tác xã? Hội nghị bàn những nội dung gì?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 20 Luật hợp tác xã năm 2012, hội nghị thành lập hợp tác xã do sáng lập viên tổ chức.

Thành phần tham gia hội nghị thành lập hợp tác xã bao gồm sáng lập viên là cá nhân, người đại diện hợp pháp của sáng lập viên; người đại diện hợp pháp của hộ gia đình, pháp nhân và cá nhân khác có nguyện vọng gia nhập hợp tác xã.

Hội nghị thành lập hợp tác xã bàn về những nội dung: thảo luận về dự thảo điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã và dự kiến danh sách thành viên; thông qua điều lệ.

Những người tán thành điều lệ và đủ điều kiện theo quy định thì trở thành thành viên hợp tác xã. Các thành viên tiếp tục thảo luận và quyết định các nội dung sau đây:

- Phương án sản xuất, kinh doanh;

- Bầu hội đồng quản trị và chủ tịch hội đồng quản trị; quyết định việc lựa chọn giám đốc (tổng giám đốc) trong số thành viên, đại diện hợp pháp của hợp tác xã thành viên hoặc thuê giám đốc (tổng giám đốc);

- Bầu ban kiểm soát, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;

- Các nội dung khác có liên quan đến việc thành lập và tổ chức, hoạt động của hợp tác xã.

Nghị quyết của hội nghị thành lập về những nội dung này phải được biểu quyết thông qua theo nguyên tắc đa số.

 

Câu 12. Xin cho biết việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã theo hợp đồng dịch vụ có bắt buộc đối với các thành viên hợp tác xã không? Mức độ các thành viên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã được quy định ở đâu ?

Trả lời

Việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã theo hợp đồng dịch vụ là một trong những nghĩa vụ bắt buộc của thành viên hợp tác xã.

Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 13 Luật hợp tác xã năm 2012 về điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã quy định: 

Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân trở thành thành viên hợp tác xã phải có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, tán thành Điều lệ hợp tác xã.

Khoản 1 Điều 15 Luật hợp tác xã năm 2012 về nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã cũng quy định: thành viên hợp tác xã có nghĩa vụ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã. 

Mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ; giá trị tối thiểu của sản phẩm, dịch vụ mà thành viên phải sử dụng được quy định trong Điều lệ hợp tác xã.

Theo Khoản 5 Điều 21 Luật hợp tác xã năm 2012, nội dung Điều lệ hợp tác xã phải xác định rõ: mức độ thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ; giá trị tối thiểu của sản phẩm, dịch vụ mà thành viên, hợp tác xã thành viên phải sử dụng; thời gian liên tục không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã nhưng không quá 03 năm; thời gian liên tục không làm việc cho hợp tác xã đối với hợp tác xã tạo việc làm nhưng không quá 02 năm.

 

Câu 13. Hồ sơ đăng ký hợp tác xã gồm những giấy tờ gì? Xin cho biết điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã?

Trả lời

Trước khi hoạt động, hợp tác xã phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi hợp tác xã dự định đặt trụ sở chính.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Luật hợp tác xã, hồ sơ đăng ký hợp tác xã bao gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký hợp tác xã;

- Điều lệ;

- Phương án sản xuất, kinh doanh;

- Danh sách thành viên; danh sách hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;

- Nghị quyết hội nghị thành lập.

Người đại điện hợp pháp của hợp tác xã phải kê khai đầy đủ, trung thực và chính xác các nội dung trên và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã kê khai.

Về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, Điều 24 Luật hợp tác xã  năm 2012 quy định hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm;

- Hồ sơ đăng ký theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 của Luật hợp tác xã;

- Tên của hợp tác xã được đặt theo quy định của Luật hợp tác xã;

- Có trụ sở chính theo quy định.

 

Câu 14. Xin cho biết các quy định của pháp luật về đại hội thành viên?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 30 Luật hợp tác xã năm 2012, Đại hội thành viên có quyền quyết định cao nhất của hợp tác xã.

Đại hội thành viên gồm đại hội thành viên thường niên và đại hội thành viên bất thường. Đại hội thành viên được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu (gọi chung là đại hội thành viên).

Hợp tác xã có 100 thành viên, hợp tác xã thành viên trở lên có thể tổ chức đại hội đại biểu thành viên. Tiêu chuẩn đại biểu và trình tự, thủ tục bầu đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên do điều lệ quy định.

Số lượng đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên do điều lệ quy định nhưng phải bảo đảm:

- Không được ít hơn 30% tổng số thành viên đối với hợp tác xã có từ trên 100 đến 300 thành viên;

- Không được ít hơn 20% tổng số thành viên đối với hợp tác xã có từ trên 300 đến 1000 thành viên;

- Không được ít hơn 200 đại biểu đối với hợp tác xã có trên 1000 thành viên.

Đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên phải thể hiện được ý kiến, nguyện vọng và có trách nhiệm thông tin về kết quả đại hội cho tất cả thành viên, hợp tác xã thành viên mà mình đại diện.

 

Câu 15. Để nâng cao năng lực hoạt động và củng cố về mặt tổ chức hợp tác xã, những thành viên sáng lập hợp tác xã có ý định sáp nhập hợp tác xã với một hợp tác xã khác. Xin hỏi việc sáp nhập, hợp nhất hợp tác xã do Hội đồng quản trị hay đại hội thành viên quyết định? Nhiệm vụ, quyền hạn của đại hội thành viên?

Trả lời

Theo quy định tại Khoản 13 Điều 32 Luật hợp tác xã năm 2012 thì việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản hợp tác xã do đại hội thành viên quyết định.

Đại hội thành viên có các quyền hạn, nhiệm vụ sau:

- Thông qua báo cáo kết quả hoạt động trong năm; báo cáo hoạt động của hội đồng quản trị và ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;

- Phê duyệt báo cáo tài chính, kết quả kiểm toán nội bộ;

- Phương án phân phối thu nhập và xử lý khoản lỗ, khoản nợ; lập, tỷ lệ trích các quỹ; phương án tiền lương và các khoản thu nhập cho người lao động đối với hợp tác xã tạo việc làm;

- Phương án sản xuất, kinh doanh;

- Đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất;

- Góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp, liên doanh, liên kết; thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; tham gia liên hiệp hợp tác xã, tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

- Tăng, giảm vốn điều lệ, vốn góp tối thiểu; thẩm quyền quyết định và phương thức huy động vốn;

- Xác định giá trị tài sản và tài sản không chia;

- Cơ cấu tổ chức của hợp tác xã;

- Việc thành viên hội đồng quản trị đồng thời là giám đốc (tổng giám đốc) hoặc thuê giám đốc (tổng giám đốc);

- Bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; tăng, giảm số lượng thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát;

- Chuyển nhượng, thanh lý, xử lý tài sản cố định;

- Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

- Sửa đổi, bổ sung điều lệ;

- Mức thù lao, tiền thưởng của thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; tiền công, tiền lương và tiền thưởng của giám đốc (tổng giám đốc), phó giám đốc (phó tổng giám đốc) và các chức danh quản lý khác theo quy định của điều lệ;

- Chấm dứt tư cách thành viên theo quy định;

- Những nội dung khác do hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên đề nghị.

 

Câu 16. Xin hỏi cơ quan nào quản lý hợp tác xã và ai là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã? Nhiệm vụ, quyền hạn của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý hợp tác xã do hội nghị thành lập hoặc đại hội thành viên bầu theo thể thức bỏ phiếu kín. Hội đồng quản trị gồm Chủ tịch và các thành viên. Số lượng thành viên hội đồng quản trị do điều lệ hợp tác xã quy định nhưng tối thiểu là 03 người và tối đa là 15 người. Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị do điều lệ hợp tác xã quy định tối thiểu là 02 năm và tối đa là 05 năm. 

Người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã là Chủ tịch hội đồng quản trị.

Chủ tịch hội đồng quản trị có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã.

- Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của hội đồng quản trị và phân công nhiệm vụ cho các thành viên hội đồng quản trị.

- Chuẩn bị nội dung, chương trình, triệu tập và chủ trì cuộc họp của hội đồng quản trị, đại hội thành viên trừ trường hợp điều lệ có quy định khác.

-  Chịu trách nhiệm trước đại hội thành viên và hội đồng quản trị về nhiệm vụ được giao.

-  Ký văn bản của hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật và điều lệ.

- Thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và điều lệ hợp tác xã.

 

Câu 17. Trong đại hội thành viên hợp tác xã, tôi được dự kiến bầu bổ sung vào hội đồng quản trị hợp tác xã. Tuy nhiên, anh trai tôi hiện đang là kiểm soát viên của hợp tác xã đó. Xin hỏi tôi có thể là thành viên hội đồng quản trị được không? Điều kiện trở thành thành viên hội đồng quản trị?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 40 Luật hợp tác xã năm 2012, thành viên hội đồng quản trị hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Là thành viên hợp xác xã;

- Không đồng thời là thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng hợp tác xã và không phải là cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; vợ, chồng; con, con nuôi; anh, chị, em ruột của thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, kiểm soát viên;

- Điều kiện khác do điều lệ hợp tác xã quy định.

 Căn cứ quy định trên thì bạn không thể trở thành thành viên hội đồng quản trị vì có anh ruột đang là kiểm soát viên của hợp tác xã.

 

Câu 18. Xin cho biết hợp tác xã có bao nhiêu thành viên thì phải thành lập ban kiểm soát? Nhiệm vụ của ban kiểm soát?

Trả lời

Điều 39 Luật hợp tác xã năm 2012 quy định:

Hợp tác xã có từ 30 thành viên trở lên phải bầu ban kiểm soát. Đối với hợp tác xã có dưới 30 thành viên, việc thành lập ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên do điều lệ quy định

Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên do đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số thành viên theo thể thức bỏ phiếu kín. Số lượng thành viên ban kiểm soát do đại hội thành viên quyết định nhưng không quá 07 người.

Ban kiểm soát hoạt động độc lập, kiểm tra và giám sát hoạt động của hợp tác xã theo quy định của pháp luật và điều lệ.

Ban kiểm soát chịu trách nhiệm trước đại hội thành viên và có quyền hạn, nhiệm vụ sau đây:

- Kiểm tra, giám sát hoạt động của hợp tác xã theo quy định của pháp luật và điều lệ;

- Kiểm tra việc chấp hành điều lệ, nghị quyết, quyết định của đại hội thành viên, hội đồng quản trị và quy chế của hợp tác xã;

- Giám sát hoạt động của hội đồng quản trị, giám đốc, thành viên theo quy định của pháp luật, điều lệ, nghị quyết của đại hội thành viên, quy chế của hợp tác xã;

- Kiểm tra hoạt động tài chính, việc chấp hành chế độ kế toán, phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ, sử dụng các quỹ, tài sản, vốn vay của hợp tác xã và các khoản hỗ trợ của Nhà nước;

- Thẩm định báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm của hội đồng quản trị trước khi trình đại hội thành viên;

- Tiếp nhận kiến nghị liên quan đến hợp tác xã; giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị hội đồng quản trị, đại hội thành viên giải quyết theo thẩm quyền;

- Trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên được tham dự các cuộc họp của hội đồng quản trị nhưng không được quyền biểu quyết;

- Thông báo cho hội đồng quản trị và báo cáo trước đại hội thành viên về kết quả kiểm soát; kiến nghị hội đồng quản trị, giám đốc khắc phục những yếu kém, vi phạm trong hoạt động của hợp tác xã;

- Yêu cầu cung cấp tài liệu, sổ sách, chứng từ và những thông tin cần thiết để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát nhưng không được sử dụng các tài liệu, thông tin đó vào mục đích khác;

- Chuẩn bị chương trình và triệu tập đại hội thành viên bất thường theo quy định;

- Thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ khác theo quy định và điều lệ.

Thành viên ban kiểm soát được hưởng thù lao và được trả các chi phí cần thiết khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ban kiểm soát được sử dụng con dấu của hợp tác xã để thực hiện nhiệm vụ của mình.

 

Câu 19. Xin hỏi tài sản của hợp tác xã được hình thành từ những nguồn nào ?

Trả lời

Tài sản của hợp tác xã được hình thành từ nguồn sau đây:

- Vốn góp của thành viên;

- Vốn huy động của thành viên và vốn huy động khác;

- Vốn, tài sản được hình thành trong quá trình hoạt động của hợp tác xã;

- Khoản trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước và khoản được tặng, cho khác.

Trong đó các tài sản sau của hợp tác xã không được chia:

- Quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất;

- Khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại của Nhà nước; khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia;

- Phần trích lại từ quỹ đầu tư phát triển hằng năm được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia;

- Vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia.

Việc quản lý, sử dụng tài sản của hợp tác xã được thực hiện theo quy định của điều lệ, quy chế quản lý tài chính của hợp tác xã, nghị quyết đại hội thành viên và các quy định của pháp luật có liên quan.

 

Câu 20. Việc phân phối thu nhập của hợp tác xã được thực hiện như thế nào?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 46 Luật hợp tác xã năm 2012, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật, thu nhập của hợp tác xã được phân phối:

- Trích lập quỹ đầu tư phát triển với tỷ lệ không thấp hơn 20% trên thu nhập; trích lập quỹ dự phòng tài chính với tỷ lệ không thấp hơn 5% trên thu nhập;

- Trích lập các quỹ khác đo đại hội thành viên quyết định;

- Thu nhập còn lại sau khi đã trích lập các quỹ trên được phân phối cho thành viên hợp tác xã theo nguyên tắc sau đây:

+ Chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên; theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm;

+ Phần còn lại được chia theo vốn góp;

+ Tỷ lệ và phương thức phân phối cụ thể do điều lệ hợp tác xã quy định;

Thu nhập đã phân phối cho thành viên hợp tác xã là tài sản thuộc sở hữu của thành viên. Thành viên có thể giao thu nhập đã phân phối cho hợp tác xã quản lý, sử dụng theo thỏa thuận với hợp tác xã.

Các tin đã đưa ngày: