Liên kết website

80 câu hỏi – đáp, tình huống pháp luật dành cho học viên Trung tâm học tập cộng đồng (tiếp theo)

03/10/2013

Chủ đề 2. Một số quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở (16 câu)

 

Câu 1. Xin cho biết nội dung quyền được thông tin về pháp luật của công dân?

Trả lời

Điều 2 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: “Công dân có quyền được thông tin về pháp luật”.

Nội dung của quyền này thể hiện như sau:

- Công dân có quyền được cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phổ biến thông tin về pháp luật. Ví dụ: Công dân được tham dự các lớp tập huấn kiến thức pháp luật về các lĩnh vực trong đời sống do cơ quan nhà nước tổ chức, được báo cáo viên trực tiếp truyền đạt thông tin về pháp luật.

- Công dân được tự do tìm kiếm, thu thập thông tin về pháp luật. Ví dụ: Công dân có thể tra cứu thông tin pháp luật trên mạng Internet; truy cập vào trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước để tìm kiếm văn bản pháp luật; mua sách, báo pháp luật để tự tìm hiểu.

 

Câu 2. Xin hỏi, Ngày Pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày nào? Mục đích, ý nghĩa Ngày Pháp luật?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Quy định ngày 09 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xuất phát từ ý nghĩa ngày 9 tháng 11 năm 1946 chính là ngày Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thông qua bản Hiến pháp 1946 – đạo luật cơ bản đầu tiên của nước ta.

Trong Ngày Pháp luật, cả nước sẽ tổ chức đợt cao trào về phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hoạt động tôn vinh Hiến pháp, pháp luật thiết thực để nâng cao ý thức pháp luật cho người dân.

 

Câu 3. Những hành vi nào bị nghiêm cấm khi được phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân?

Trả lời

Theo Điều 9 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, những hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

- Truyền đạt sai lệch, phê phán nội dung pháp luật được phổ biến; không cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu có nội dung sai sự thật, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

- Lợi dụng phổ biến, giáo dục pháp luật để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Cản trở việc thực hiện quyền được thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Lợi dụng việc thực hiện quyền được thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật để gây cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

 

Câu 4. Hoạt động hòa giải ở cơ sở là gì?

Trả lời:

Trong cuộc sống hàng ngày ở các cộng đồng dân cư (bao gồm thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác) có thể nảy sinh những tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ giữa người dân. Để giải quyết nhanh chóng, kịp thời những mâu thuẫn, xích mích này, nhằm bảo đảm sự đoàn kết, giữ gìn tình nghĩa láng giềng, hòa giải viên sẽ hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật. Hoạt động này được hiểu là hòa giải ở cơ sở.

Hòa giải viên là những người được công nhận theo trình tự do pháp luật quy định, họ hoạt động trong tổ hòa giải, một tổ chức tự quản do nhân dân thành lập.

 

Câu 5. Gia đình ông Tiến chặt gốc mít trong vườn, do cây mít quá to nên đã đổ sang nhà bà Hiền bên cạnh, dẫn đến một số hư hại nhỏ như đổ tường bao, làm hỏng chuồng nuôi gà. Ông Tiến muốn bồi thường nhưng bà Hiền lại chê số tiền quá ít, không bù đắp được thiệt hại. Hai gia đình nảy sinh xích mích. Xin hỏi: Hòa giải viên ở cơ sở có thể hòa giải vụ việc này hay không?

Trả lời                                                                                                                                                  

Điều 3, Luật hòa giải ở cơ sở năm 2012 quy định: việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:

- Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

- Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải;

- Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính;

- Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.

Đối với trường hợp của ông Tiến và bà Hiền, đây là tranh chấp mâu thuẫn nhỏ nảy sinh giữa hai gia đình. Vụ việc này không thuộc các trường hợp mà pháp luật cấm hòa giải nên hòa giải viên có quyền tiến hành hòa giải.

 

Câu 6. Nguyễn Văn A thực hiện hành vi hiếp dâm cháu N (15 tuổi). Khi vụ việc bị phát giác, A đề nghị bồi thường cho gia đình người bị hại một số tiền với điều kiện không bị kiện ra tòa. Gia đình nạn nhân vì không muốn ảnh hưởng đến tâm lý của cháu N và sợ tai tiếng nên cũng không muốn kiện A ra tòa. Hai bên tiến hành hòa giải và nhờ một hòa giải viên làm trung gian. Xin hỏi: Hòa giải viên có thể hòa giải vụ việc này không?

Trả lời

Theo Điều 3 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2012 thì những hành vi vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được phép hòa giải.

Đối với vụ án hiếp dâm này, A đã phạm tội hiếp dâm trẻ em theo quy định tại Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999. Do cháu N mới chỉ 15 tuổi. Hành vi này bắt buộc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên không được phép hòa giải.

Trong trường hợp này hòa giải viên có nghĩa vụ giải thích cho gia đình người bị hại và tố giác hành vi phạm tội của anh A đến cơ quan công an.

 

Câu 7. Hoạt động hòa giải phải tiến hành theo những nguyên tắc nào?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 4 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2012, hoạt động hòa giải phải tiến hành theo những nguyên tắc sau đây:

- Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.

- Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.

- Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp hòa giải viên có trách nhiệm thông báo theo quy định của pháp luật

- Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

- Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

 

Câu 8. Bà Nhung là công chức xã đã về hưu. Bà tham gia nhiệt tình vào hoạt động của hội phụ nữ xã và được mọi người tin tưởng. Bà muốn trở thành hòa giải viên để sử dụng vốn hiểu biết pháp luật tích lũy trong những năm công tác của mình góp ích cho cộng đồng. Xin hỏi: Để trở thành hòa giải viên phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì? Bà Nhung có đủ điều kiện để trở thành hòa giải viên hay không?

Trả lời

Điều 7 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên như sau:

Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:

- Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;

- Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.

Bà Nhung là người có hiểu biết pháp luật, đã từng hoạt động trong hội phụ nữ xã lâu năm và có uy tín nên hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành hòa giải viên.

 

Câu 9. Thủ tục bầu, công nhận hòa giải viên được quy định như thế nào?

Trả lời

Thủ tục bầu, công nhận hòa giải viên được quy định tại Điều 8 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 như sau:

- Người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật có quyền ứng cử hoặc được Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên.

- Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức bầu hòa giải viên ở thôn, tổ dân phố bằng một trong các hình thức sau đây:

+ Biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp đại diện các hộ gia đình;

+ Phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình.

- Kết quả bầu hòa giải viên:

+ Người được đề nghị công nhận là hòa giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý;

+Trường hợp số người đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý nhiều hơn số lượng hòa giải viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thì danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên lấy theo kết quả bỏ phiếu từ cao xuống thấp;

+ Trường hợp số người được bầu không đủ để thành lập tổ hòa giải thì tổ chức bầu bổ sung cho đủ số lượng;

+ Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên.

Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.

 

Câu 10. Xin cho biết, hòa giải viên có những quyền gì?

Trả lời

Theo Điều 9 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, hòa giải viên có những quyền sau đây:

- Thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Đề nghị các bên có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến vụ, việc hòa giải.

- Tham gia sinh hoạt, thảo luận và quyết định nội dung, phương thức hoạt động của tổ hòa giải.

- Được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải; được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải.

- Hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải.

- Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

- Được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.

- Kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến hoạt động hòa giải.

 

Câu 11. Ông Kiên được tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải vụ việc tranh chấp đất đai giữa gia đình bà Thúy và ông Sơn. Tuy nhiên, ông Kiên và ông Sơn vốn là họ hàng gần, lại cùng đơn vị với nhau trong thời chiến tranh nên quan hệ rất thân thiết. Bà Thúy e ngại rằng mối quan hệ giữa ông Kiên và ông Sơn có thể khiến việc hòa giải không khách quan. Xin hỏi: ông Kiên có được phép tiến hành hòa giải hay không?

Trả lời

Khoản 3 Điều 10 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2012 quy định: Hòa giải viên có nghĩa vụ từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.

Như vậy, vì mối quan hệ thân thiết với ông Sơn có thể dẫn đến sự không khách quan trong hoạt động hòa giải nên ông Kiên có trách nhiệm từ chối tiến hành hòa giải.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 17 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, bà Thúy với tư cách là một bên trong tranh chấp, có quyền đề xuất, lựa chọn hòa giải viên.

 

Câu 12. Tổ hòa giải có bao nhiêu thành viên? Tổ trưởng tổ hòa giải có quyền và trách nhiệm gì?

Trả lời

A, Về tổ hòa giải

Điều 12 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định:

- Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số.

- Số lượng tổ hòa giải và số lượng hòa giải viên trong một tổ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

b, Về tổ trưởng tổ hòa giải:

Tổ trưởng tổ hòa giải do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên để phụ trách tổ hòa giải. Việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện dưới sự chủ trì của Trưởng ban công tác Mặt trận bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. Kết quả bầu tổ trưởng tổ hòa giải được lập thành văn bản và gửi chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để ra quyết định công nhận.

Theo Điều 15 Luật Hòa giải ở cơ sở thì tổ trưởng tổ hòa giải có những quyền và nghĩa vụ sau đây:

+ Phân công, phối hợp hoạt động của các hòa giải viên.

+ Đại diện cho tổ hòa giải trong quan hệ với Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong thực hiện trách nhiệm của tổ hòa giải.

+ Đề nghị cho thôi làm hòa giải viên theo quy định của pháp luật.

+ Báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan có thẩm quyền về các vụ, việc mà theo quy định của pháp luật, tổ trưởng tổ hòa giải có trách nhiệm phải thông báo.

+ Báo cáo hằng năm và báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải với Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

+ Phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải khác để trao đổi kinh nghiệm hoặc tiến hành hòa giải những vụ, việc liên quan đến các thôn, tổ dân phố khác nhau.

+ Có các quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên.

 

Câu 13. Có ý kiến cho rằng hòa giải viên chỉ có thể tiến hành hòa giải đối với một vụ tranh chấp khi một bên hoặc các bên trong tranh chấp yêu cầu, ngược lại nếu các bên không có yêu cầu thì hòa giải viên không được phép hòa giải. Ý kiến này có đúng không?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 12 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 thì hoạt động hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;

- Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;

- Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Như vậy, nhận định trên là không đúng, hòa giải viên có thể chủ động tiến hành hòa giải ngay cả khi không được các bên tranh chấp yêu cầu.

 

Câu 14. Anh Thành là hòa giải viên đang tiến hành giải quyết tranh chấp giữa hai gia đình trong cùng một dòng họ. Để xoa dịu sự mâu thuẫn giữa hai bên và tăng thêm hiệu quả của hoạt động hòa giải, anh muốn mời ông Việt, trưởng họ của hai bên mâu thuẫn tham gia hòa giải. Xin hỏi người không phải hòa giải viên có được tham gia hòa giải không?

Trả lời

Theo Điều 19 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải. Người được mời tham gia hòa giải phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động hòa giải ở cơ sở. Cơ quan, tổ chức có người được mời tham gia hòa giải có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia hòa giải.

 Như vậy, ông Việt có thể được tham gia hòa giải. Trong quá trình hòa giải, ông có trách nhiệm tôn trọng các nguyên tắc hòa giải pháp luật quy định.

 

Câu 15. Hoạt động hòa giải được tiến hành như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 21 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, hoạt động hòa giải được tiến hành như sau:

- Hòa giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp các bên có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải.

- Hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của các bên.

- Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hòa giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở. Trường hợp các bên đồng ý thì lập văn bản hòa giải thành theo quy định của pháp luật.

 

Câu 16. Khi các bên đạt được thỏa thuận, đồng ý chấm dứt tranh chấp, mâu thuẫn thì có thể lập văn bản hòa giải thành. Xin hỏi: Văn bản hòa giải thành phải có những nội dung gì? Trách nhiệm của các bên trong thực hiện văn bản hòa giải thành như thế nào?

Trả lời

Khi các bên trong tranh chấp, mâu thuẫn đạt được thỏa thuận, hòa giải viên có thể hướng dẫn các bên lập văn bản hòa giải thành.

a, Về nội dung văn bản hòa giải thành

Theo Khoản 2 Điều 24 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, văn bản hòa giải thành gồm các nội dung chính sau đây:

- Căn cứ tiến hành hòa giải;

- Thông tin cơ bản về các bên;

- Nội dung chủ yếu của vụ, việc;

- Diễn biến của quá trình hòa giải;

- Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;

- Quyền và nghĩa vụ của các bên;

- Phương thức, thời hạn thực hiện thỏa thuận;

- Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của hòa giải viên.

b. Về trách nhiệm thực hiện văn bản hòa giải thành, Điều 25 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2012 quy định:

- Các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành.

- Trong quá trình thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, nếu một bên vì sự kiện bất khả kháng không thể thực hiện được thì có trách nhiệm trao đổi, thỏa thuận với bên kia và thông báo cho hòa giải viên.

- Hòa giải viên có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành do mình trực tiếp giải quyết; kịp thời thông báo cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Trưởng ban công tác Mặt trận những vấn đề phát sinh trong quá trình theo dõi, đôn đốc thực hiện.

Các tin đã đưa ngày: