Liên kết website

Khảo sát về phương pháp, cách thức đo lường, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại tỉnh Thanh Hóa

24/08/2022

Nhằm thực hiện hoạt động “Nghiên cứu phương pháp, cách thức đo lường, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE), ngày 23/8/2022, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp đã phối hợp với UNDP tổ chức Tọa đàm khảo sát về phương pháp, cách thức đo lường, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Đoàn khảo sát có sự tham gia của PGS.TS Vũ Thu Hạnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN, Hội Luật gia Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Dung - Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội; đ/c Trần Văn Tùy, Phó trưởng phòng Phòng quản lý công tác PBGDPL, Vụ PBGDPL và đại diện Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa.
 
Tọa đàm khảo sát được tổ chức theo hình thức chia nhóm thảo luận và phỏng vấn sâu nhằm nắm bắt trung thực, khách quan về chất lượng hoạt động PBGDPL nói chung và trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản nói riêng của cơ quan Nhà nước tới người dân, doanh nghiệp tại địa bàn được khảo sát; đồng thời xác định thực trạng triển khai hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL theo các quy định hiện hành và đề xuất các giải pháp, cách thức khoa học, phù hợp giúp đo lường, đánh giá chính xác hiệu quả công tác PBGDPL. Thành phần tham dự Tọa đàm được chia thành 03 nhóm bao gồm: (i) Nhóm cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đoàn thể; (ii) Nhóm tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản và (iii) Nhóm người dân. 
Công tác PBGDPL đã được triển khai hiệu quả nhưng ở mức độ nhất định:
Theo đánh giá chung, hoạt động PBGDPL nói chung và trong lĩnh vực đất đai nói riêng trên địa bàn huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã được triển khai rộng rãi với nhiều hình thức đa dạng như tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức pháp luật cho các đối tượng trên địa bàn, thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; thi tìm hiểu pháp luật, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, kênh truyền hình địa phương) và các buổi sinh hoạt thôn, xóm, tổ dân phố. Đây cũng chính là những hình thức PBGDPL được đa số người dân, cán bộ, công chức địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia buổi khảo sát đánh giá là có hiệu quả nhất trong tuyên truyền, PBGDPL.
 
Mặt khác, trên tinh thần cởi mở và thẳng thắn, nhiều vấn đề còn tồn tại trong công tác PBGDPL đã được các đại biểu phát biểu và chỉ ra một cách cụ thể như: Tinh thần và thái độ tìm hiểu và chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn còn chưa chủ động, chỉ khi nào có sự việc pháp lý xảy ra thì họ mới tìm kiếm thông tin pháp luật; trong nhiều trường hợp người dân vẫn còn tâm lý ngần ngại khi tiếp xúc với chính quyền để tìm kiếm thông tin hoặc tư vấn, trợ giúp pháp lý, nhất là trong lĩnh vực đất đai hoặc lĩnh vực khác như hộ tịch, giải phóng mặt bằng…
 
Một trong những yếu tố ảnh hưởng chủ yếu tới chất lượng của hoạt động PBGDPL theo người dân đánh giá là năng lực của các báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật hoặc người cung cấp thông tin pháp luật. Theo đó, để bảo đảm hiệu quả hoạt động PBGDPL, đội ngũ này phải có hiểu biết pháp luật đầy đủ, nhiệt tình, trách nhiệm, có tính dự báo để kịp thời tuyên truyền, tư vấn những vấn đề pháp luật theo nhu cầu và sự quan tâm của đa số người dân, doanh nghiệp như vấn đề về quyền sử dụng đất, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, trong lĩnh vực đất đai, vẫn còn tình trạng người dân không biết phải đến đâu để được tư vấn pháp luật; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm PBGDPL khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Thực tế này khiến người dân khi tham gia các thủ tục hành chính về đất đai gặp nhiều khó khăn, gây tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc của họ; tạo điều kiện cho những hành vi tiêu cực trong lĩnh vực này. Có ý kiến đề nghị, các cơ quan tư pháp như Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp huyện nên tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp về các chính sách pháp luật liên quan đến đất đai; mỗi địa phương nên có một nhóm/tổ đại diện cho người dân khi cần giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai.
 
Chủ thể thực hiện hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL nên độc lập
Đa số các ý kiến tại Tọa đàm đều thống nhất đề xuất việc tổ chức đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cần phải do một tổ chức độc lập thực hiện nếu có đủ nguồn lực thực hiện. Tuy nhiên, việc đánh giá của tổ chức độc lập cần phải căn cứ trên các tiêu chí, phương pháp đã được sự thống nhất với các cơ quan quản lý Nhà nước và chịu sự giám sát và có giải trình trong quá trình thực hiện để bảo đảm tính trách nhiệm và minh bạch của hoạt động đánh giá. 

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cơ quan Mặt trận Tổ quốc các cấp cần chủ trì đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL trên phạm vi địa bàn quản lý để bảo bảm khách quan, toàn diện, huy động được đầy đủ các tổ chức là thành viên của Mặt trận Tổ quốc tham gia hoạt động này. Cũng có ý kiến cho rằng, các chủ thể thực hiện công tác PBGDPL cần tự đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL để từ đó phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế và có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý…
 
Cần xây dựng các nhóm tiêu chí chung và cụ thể để đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL
Các ý kiến phát biểu đều nhất trí cho rằng, để bảo đảm tính khả thi của hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL, cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành các nhóm tiêu chí chung và nhóm tiêu chí cụ thể làm căn cứ đánh giá, bảo đảm phù hợp với từng mục tiêu, lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, điều kiện của bộ, ngành, địa phương. Các tiêu chí riêng có thể thay đổi linh hoạt, rõ ràng hơn và cần gắn với từng hoạt động PBGDPL cụ thể đề phù hợp với nguyên lý “hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải căn cứ vào kết quả đầu ra”. 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động PBGDPL cũng như đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL, nhất là xây dựng phần mềm khảo sát trực tuyến, sử dụng mạng xã hội như: zalo, facebook …để thu thập thông tin về nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó có dữ liệu sát với thực tế phục vụ đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL trong phạm vi đối tượng, địa bàn, lĩnh vực nhất định. 

Qua buổi tọa đàm khảo sát, những ý kiến và kết quả thu thập được sẽ là cơ sở bước đầu để gợi mở cho Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu và tổ chức triển khai hoạt động này phù hợp, hiệu quả, gắn với triển khai Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL” theo Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. 
Đỗ Thị Nhẫn
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: