Liên kết website

Bô Tư pháp ban hành Báo cáo tình hình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước giai đoạn 1998 – 2015 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016 - 2020

26/05/2016

Ngày 23/5/2016, Bộ Tư pháp đã ban hành Báo cáo số 108/BC-BTP về tình hình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư giai đoạn 1998 – 2015 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016 - 2020.

Đánh giá tổng thể công tác quản lý, xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước giai đoạn 1998 – 2015 có thể thấy công tác này đã đạt được một số kết quả cơ bản như sau:
1.1. Nhận thức của chính quyền các cấp, của các cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của hương ước, quy ước đối với quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư được nâng lên. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg, công tác xây dựng thể chế, chính sách về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước được quan tâm thực hiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các thiết chế quản lý tự quản, điều chỉnh các quan hệ xã hội tại cộng đồng dân cư. Đến nay, hương ước, quy ước đã được xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện tại 87,7% thôn, làng trên cả nước; còn 12,3% thôn, làng chưa có hoặc đang chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hương ước, quy ước.
1.2. Các Bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, đơn vị chuyên môn theo ngành dọc của các Bộ, ngành này ở địa phương đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao về công tác quản lý xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện thể chế. Sau khi Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg được ban hành, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, ban hành 02 Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện công tác này trên cả nước. Trên cơ sở rà soát tổng thể các chức năng, nhiệm vụ để triển khai thực hiện Nghị định số 22/2013/NĐ-CP, năm 2013, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo, giao thực hiện thống nhất nhiệm vụ quản lý nhà nước về hương ước, quy ước theo quy định tại Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg cho Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong những năm gần đây, công tác quản lý về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã được Bộ Tư pháp chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện gắn kết với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, thực hiện và phát huy dân chủ và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
1.3. Chính quyền, các cơ quan, đơn vị ở các địa phương đã chủ động tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại cộng đồng thôn, làng thuộc phạm vi quản lý; gắn hương ước, quy ước với thực hiện nếp sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, góp phần quản lý xã hội tại cơ sở đảm bảo phù hợp, hài hòa, gìn giữ nét đẹp, truyền thống, phong tục, nếp sống văn hóa riêng của vùng, miền nói chung và mỗi thôn, làng nói riêng. Công tác phổ biến, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý, xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước được các cấp, các ngành quan tâm; gắn với việc thực hiện một số phong trào, cuộc vận động quần chúng, xây dựng nông thôn mới. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước để điều chỉnh, quy định các vấn đề mới do yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã phát sinh trong đời sống cộng đồng dân cư (như y tế, giáo dục, chính sách dân số, nông thôn mới...) từng bước được chú trọng.
1.4. Là thiết chế tự quản cộng đồng, thời gian qua, hương ước, quy ước đã góp phần tích cực vào việc điều chỉnh các mối quan hệ nội bộ trong phạm vi thôn, làng. Hương ước, quy ước được coi là thiết chế có tác dụng hỗ trợ pháp luật khi Nhà nước chưa kịp ban hành pháp luật hoặc chưa cần thiết sử dụng pháp luật để điều chỉnh, được ví như “cánh tay nối dài” của pháp luật và cùng với pháp luật điều chỉnh một cách toàn diện các mối quan hệ phát sinh trong đời sống xã hội. Qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg cho thấy, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã đem lại những kết quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, tác động rõ nét nhất là thực hiện văn minh, văn hóa trong việc cưới, việc tang. Nội dung của hương ước, quy ước đã tập trung để điều chỉnh, quy định các vấn đề đã được chỉ rõ trong Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg và gắn với đặc điểm về văn hóa, xã hội của địa phương. Đến nay, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước còn nhằm điều chỉnh, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình, giáo dục, khuyến học, y tế, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (rừng, cây trồng…). Đồng thời, trong một số lĩnh vực quản lý, hương ước, quy ước được coi là một trong các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá kết quả, chất lượng, như: công nhận gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa; công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
1.5. Với số lượng lớn hương ước, quy ước đang áp dụng tại các thôn, làng cho thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong thời gian qua là đúng đắn, đã được chính quyền các cấp và nhân dân ủng hộ, tích cực thực hiện rộng rãi trên phạm vi cả nước. Điều đó đã khẳng định rõ vị trí, vai trò và giá trị của hương ước, quy ước đối với việc quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư. Giá trị của hương ước, quy ước thể hiện rõ qua việc góp phần điều chỉnh, giải quyết các mối quan hệ cụ thể của thôn, làng mà pháp luật chưa điều chỉnh. Hương ước, quy ước đã góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở. Qua việc thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới; phát huy quyền tự do, dân chủ ở cơ sở, động viên, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ; giúp nhân dân tham gia, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Từ đó có thể khẳng định, hương ước, quy ước là một công cụ quản lý gián tiếp của nhà nước ở cộng đồng dân cư. Vì vậy, dù đất nước ta đang ngày một phát triển, thì bên cạnh công cụ pháp luật để quản lý nhà nước thì vẫn cần tiếp tục xây dựng, duy trì, thực hiện và phát huy hương ước, quy ước bởi những giá trị của hương ước, quy ước và nâng cao hiệu quả tự quản của cộng đồng dân cư tại thôn, làng.
 
Các tin đã đưa ngày: