Liên kết website

Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 03/6/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng

01/01/0001

Ngày 03/6/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

 

Theo đó, vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng là những hành vi do các tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý vi phạm quy định của pháp luật về hàng không dân dụng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm vi phạm quy định về tàu bay; vi phạm quy định về cảng hàng không; vi phạm quy định về nhân viên hàng không; vi phạm quy định về hoạt động bay; vi phạm quy định về hoạt động vận chuyển hàng không và hàng không chung; vi phạm quy định về an ninh hàng không. Các hành vi vi phạm hành chính khác tại cảng hàng không, sân bay bị xử phạt theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tương ứng.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau: cảnh cáo; phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng còn có thể bị áp dụng hình thức bổ xung (tước quyền sử dụng Giấy phép, Giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính) và bị áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả (buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra…).

Thủ tục xử phạt gồm các bước: đình chỉ hành vi vi phạm hành chính; thủ tục xử phạt đơn giản (áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200.000 đồng, trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ…); lập biên bản vi phạm hành chính; quyết định xử phạt; thủ tục phạt tiền; chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự; chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiện nói trên được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/7/2010 và thay thế Nghị định số 91/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành không dân dụng.
Các tin đã đưa ngày: