Liên kết website

Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên

26/04/2019

Ngày 25 tháng 4 năm 2019 Sở Tư pháp tổ chức Hội thảo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên với sự tham dự của 80 người là đại diện các Sở, ngành liên quan và một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Hội thảo nằm trong chương trình thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên” (gọi tắt là Đề án 2160) năm 2020.

Ông Phan Văn Quả - Phó Giám đốc Sở Tư pháp – Chủ trì Hội thảo cho biết: Thực hiện Đề án 2160 giai đoạn 2011-2015, nhìn chung, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể về số lượng đạt được theo Kế hoạch đề ra. Một số chỉ tiêu hoàn thành vượt tiến độ và mức độ, như: Phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên trong trường học; nâng cao năng lực của người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, cán bộ Đoàn. Việc hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể góp phần hoàn thành mục tiêu chung của Đề án. Về cơ bản, nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng ứng xử pháp luật trong đời sống của thanh thiếu niên được nâng cao đáng kể. Ngoài ra, đại diện Sở Nội vụ trao đổi chuyên sâu về dự án Luật Thanh niên sửa đổi và những tác động của chính sách này đến thanh niên, trong đó có những vấn đề thiết thực bảo đảm tăng cường hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên.
Bên cạnh kết quả đã đạt được và thuận lợi về cơ chế, chính sách, các cơ quan, địa phương xác định rõ những khó khăn, hạn chế. Trong một số thời điểm hoặc một số nơi, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật có lúc tăng, lúc giảm, một số trường hợp vụ việc vi phạm mang tính chất nghiêm trọng. Đại diện Công an tỉnh cung cấp thêm về số liệu tình hình vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên là có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và ngày càng trẻ hóa. Năm 2018, Thừa Thiên Huế phát hiện 199 vụ/191 đối tượng là thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, trong đó xử lý hình sự 52 vụ/42 đối tượng, xử lý hành chính 147 vụ/149 đối tượng. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là khách quan. Thanh thiếu niên nói chung bị tác động bởi các yếu tố xã hội (hiện tượng sống ảo, nhận thức lệch lạc về giá trị cuộc sống; lôi cuốn vào các trò chơi thiếu lành mạnh, sử dụng ma túy, bạo lực…); một số gia đình thiếu quan tâm con cái. Đối với thanh thiếu niên tự do có điều kiện sống thiếu tính ổn định, đời sống khó khăn, họ cũng là đối tượng dễ vi phạm pháp luật. Yêu cầu đặt ra là phải thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên, lâu dài, có giải pháp riêng thích hợp với từng nhóm đối tượng. Trong khi đó, những người làm công tác phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên thiếu cơ chế và điều kiện để theo sát những trường hợp này. Thanh thiếu niên vi phạm pháp luật cần có quá trình, thời gian tương đối mới có thể nhận thức và thay đổi ý thức chấp hành pháp luật. Các điều kiện khách quan của đời sống tác động mạnh đến đối tượng này, đặc biệt là công tác tái hòa nhập cộng đồng.
Từ thực tiễn đó, đại diện các cơ quan, địa phương đã nêu lên những vấn đề khó khăn, hạn chế cụ thể và đề xuất các giải pháp thực hiện. Đối với thanh thiếu niên nói chung, chú trọng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật qua phương tiện thông tin đại chúng; qua các phong trào đoàn… Đối với thanh thiếu niên khuyết tật, với đặc điểm chung là những người có điều kiện, môi trường tiếp xúc hạn chế, thêm tâm lý tự ti mặc cảm, từ đó hạn chế việc nắm bắt thông tin, chính sách, pháp luật của nhà nước. Trên cơ sở đó, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông sâu rộng hơn về chính sách trợ giúp pháp lý Nhà nước đối với người khuyết tật, trong đó có thanh thiếu niên thuộc đối tượng này. Quan tâm hơn nữa việc phát triển đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật đáp ứng được yêu cầu của các dạng người khuyết tật, nhất là khuyết tật nghe nhìn; đa dạng hóa các hình thức thông tin, truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng người khuyết tật và từng vùng miền, tăng cường đến tận các tuyến cơ sở thôn, bản do người khuyết tật khó khăn trong đi lại, nghe, nói, tiếp xúc, trao đổi.
Đối với thanh thiếu niên là người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị phạt tù được hưởng án treo, có những khó khăn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng này, như: Các trường hợp thường có tâm lý tự ti, e ngại khi tiếp xúc với các cơ quan, chính quyền địa phương, khả năng nhận thức về pháp luật có phần hạn chế; việc tạo điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng còn khó khăn… Để giáo dục các đối tượng này, địa phương cho rằng, phải có sự phối kết hợp giữa Đoàn thanh niên, Công an, tổ chức ở cơ sở và gia đình, từ đó nắm bắt đầy đủ, thường xuyên các thông tin, diễn biến tâm lý của đối tượng để có giải pháp phù hợp, kịp thời trong giáo dục, vận động, tuyên truyền, giúp đỡ những trường hợp này….
Sở Tư pháp – Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án 2160 đề xuất các giải pháp chung: Trong bối cảnh và tình hình hiện nay, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên vẫn cần tiếp tục coi trọng và tăng cường các biện pháp thực hiện. Việc thực hiện trong thời gian tới cần bám sát Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án 2160 đến năm 2020. Trong tổ chức thực hiện, cần lưu ý một số vấn đề sau đây: Về đối tượng, cần tập trung vào đối tượng là thanh thiếu niên tự do và thanh thiếu niên là đối tượng đặc thù, đặc biệt là thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đang chấp hành nghĩa vụ tại địa phương, thanh thiếu niên là người khuyết tật. Các đối tượng còn lại (thanh thiếu niên trong trường học, các cơ quan, tổ chức) đã có chương trình giáo dục pháp luật, giáo dục chính trị, đồng thời được các cơ quan, tổ chức thường xuyên theo sát, quản lý nên cơ bản đã đảm bảo điều kiện giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Về nội dung, tăng cường phổ biến pháp luật về các quyền, nghĩa vụ cơ bản liên quan đến đối tượng, cần chú trọng các chính sách thiết thực của Nhà nước giúp đối tượng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Về giải pháp, tăng cường giải pháp tác động trực tiếp đến đối tượng, chú trọng công tác vận động, thuyết phục; áp dụng các giải pháp đồng bộ giữa phổ biến pháp luật với kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật; gắn kết nhiệm vụ này với các phong trào của tỉnh, cụ thể hiện nay là phong trào “Ngày chủ nhật xanh”. Ngoài ra, thanh thiếu niên tự do và thanh thiếu niên là đối tượng đặc thù là những đối tượng nhạy cảm, vì vậy các giải pháp liên quan đến đối tượng này cần thực hiện đồng bộ (về đời sống kinh tế, công ăn, việc làm, tái hòa nhập cộng đồng…). Về cơ chế, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ làm công tác phổ biến pháp luật thực hiện nhiệm vụ đối với các đối tượng nêu trên…
Các tin đã đưa ngày: