Liên kết website

Nghệ An: 403/460 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong năm 2023

01/03/2024

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, trong năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 30/01/2023 về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo Sở Tư pháp ban hành 02 kế hoạch và 09 công văn, giấy mời để triển khai, hướng dẫn nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật của tỉnh. Các đơn vị cấp huyện đã ban hành Kế hoạch về cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, 92 công văn, 21 quyết định chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác này tại địa phương.

Việc thông tin, truyền thông, tập huấn về nhiệm vụ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện với nhiều hình thức. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã phát hành Bản tin Pháp luật và Đời sống trong đó có các tin, bài về công tác chuẩn tiếp cận pháp luật. Đặc biệt, Bản tin số 02/2023 có 01 chuyên đề về công tác chuẩn tiếp cận pháp luật. Sở Tư pháp tổ chức 02 cuộc tọa đàm tại huyện Hưng Nguyên và thị xã Thái Hòa để đánh giá kết quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư 09/2021/TT-BTP cho thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của 02 đơn vị và lãnh đạo, công chức cấp xã có liên quan. Tại cấp huyện, các đơn vị tiếp tục thông tin, truyền thông về nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật qua Cổng thông tin điện tử, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, cấp phát miễn phí Sổ tay hướng dẫn, lập nhóm zalo, trang fanpage, facebook, qua họp định kỳ, sinh hoạt “Ngày Pháp luật”…
Trong năm 2023, đã tổ chức 04 đoàn để kiểm tra công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các đơn vị Tân Kỳ, Hoàng Mai, Quỳ Hợp, Tương Dương. Đồng thời công tác kiểm tra cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng được thực hiện trong quá trình tham gia thẩm định nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Các đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn tiếp cận pháp luật tại 48 đơn vị cấp xã. Các đơn vị khác lồng ghép việc kiểm tra công tác chuẩn tiếp cận pháp luật trong kiểm tra công tác tư pháp. Bên cạnh việc kiểm tra để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các đơn vị còn tổ chức tọa đàm, họp giao ban để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ này.
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hướng dẫn nghiệp vụ thường xuyên của Cục phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đồng thời tại đa số các địa phương đã có sự quan tâm của lãnh đạo, sự đồng thuận của cán bộ, công chức có liên quan và sự đảm bảo về nhân lực, kinh phí nên công tác chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày càng đi vào nề nếp. Nhờ đó, năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 403/460 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 87,61%. So với năm 2022, số đơn vị đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tăng 20 đơn vị. Trong đó, các đơn vị cấp huyện có tỷ lệ đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao là Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Tân Kỳ, Thái Hòa, Quỳ Châu, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Hoàng Mai, Cửa Lò.Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: một số lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã thiếu quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và một số công chức cấp xã thực hiện chưa nghiêm túc nhiệm vụ được phân công; thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật kiêm nhiệm, thường xuyên luân chuyển, thay đổi vị trí làm việc và chưa có chế độ hỗ trợ phù hợp nên tại một số địa phương các thành viên Hội đồng chưa phát huy được trách nhiệm trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các đơn vị cấp xã được phân công. Công chức cấp xã nói chung và công chức Tư pháp - Hộ tịch nói riêng phải đảm nhiệm khối lượng công việc quá lớn đồng thời năng lực của một số cán bộ, công chức còn hạn chế; việc tự đánh giá, chấm điểm chưa chính xác, khách quan, thiếu lấy ý kiến đối với kết quả tự đánh giá và tổng hợp ý kiến về kết quả tự đánh giá hoặc thực hiện việc lấy ý kiến thông qua niêm yết trước ngày 31/12; việc tập hợp tài liệu đánh giá chưa đầy đủ, chưa thống nhất với kết quả chấm điểm, phải bổ sung sửa chữa nhiều lần, sử dụng các tài liệu chưa có số, ký, đóng dấu; một số đơn vị cấp xã không cung cấp được tài liệu minh chứng khi Phòng Tư pháp yêu cầu; chưa có sự ứng dụng công nghệ thông tin để tập hợp tài liệu đánh giá.
Việc phân bổ ngân sách cho các hoạt động này còn hạn chế, một số đơn vị chưa đưa nội dung chi tuyên truyền, hòa giải vào mục riêng trong dự toán ngân sách nên bị động về kinh phí, xã hội hóa nguồn lực chưa được quan tâm. Việc đánh giá hiệu quả mô hình là chưa khách quan do đánh giá thực hiện bởi cấp xã và chưa có khung tiêu chí cụ thể; một số mô hình về phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở xây dựng còn sơ sài, không duy trì được hoạt động do thiếu kinh phí, thiếu người tham gia hoặc chưa có tổng kết, đánh giá để nhân rộng.
Trong năm 2024, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu tiếp tục nâng cao số lượng và chất lượng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần thực hiện các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Với những kết quả đã đạt được trong công tác chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 và những nhiệm vụ, giải pháp toàn diện trong năm 2024 để nâng cao số lượng, chất lượng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chắc chắn rằng tỉnh Nghệ An sẽ đạt được nhiều kết quả tốt hơn nữa để không chỉ tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức mà còn đảm bảo quyền tiếp cận pháp luật của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.
Thùy Dương
Sở Tư pháp Nghệ An
Các tin đã đưa ngày: