Liên kết website

Khảo sát thực trạng thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại tỉnh Bạc Liêu

30/11/2018

Thực hiện Quyết định số 2803/QĐ-BTP ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngày 26/11 và 27/11/2018, Đoàn công tác của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp do đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng làm Trưởng đoàn và thành viên là đại diện Văn phòng Bộ, Cục Công tác phía Nam, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã khảo sát, nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại tỉnh Bạc Liêu.

Tại địa phương, Đoàn khảo sát đã đến làm việc tại xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình; làm việc với huyện Hòa Bình; làm việc với lãnh đạo Sở Tư pháp và một số sở, ban, ngành tỉnh Bạc Liêu (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài chính, Văn phòng Điều phối nông thôn mới…). Tại mỗi buổi làm việc, Đoàn nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, tập trung đánh giá kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, đề ra phương hướng nhiệm vụ và đề xuất kiến nghị. Đoàn đã kiểm tra hồ sơ đề nghị công nhận xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017 của xã Vĩnh Bình và một số đơn vị cấp xã trên địa bàn huyện Hòa Bình. Trên cơ sở kết quả đánh giá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòa Bình đã quyết định công nhận 08/08 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017, trong đó có 01 xã đạt nông thôn mới (xã Vĩnh Mỹ B).

Theo báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, thực hiện Quyết định 619/QĐ-TTg, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 16/8/2017 về thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh và các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ này hàng năm; 07/07 đơn vị cấp huyện đã ban hành Kế hoạch triển khai. Tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho 140 đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên của Phòng Tư pháp cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã. Các đơn vị cấp huyện đã tổ chức 50 Hội nghị triển khai Quyết định số 619/QĐ-TTg và nghiệp vụ cho công chức các phòng, ban cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn. Sở Tư pháp cũng đã biên soạn, phát hành Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp huyện, Phòng Tư pháp, các ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện và các công chức cấp xã. Đặc biệt, năm 2018, Sở Tư pháp đã chọn 05 xã điểm về xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đã chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra tại các xã này. UBND tỉnh bố trí 228 triệu đồng cho nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018 (trong đó kinh phí từ Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới là 200 triệu đồng). Kết quả đánh giá năm 2017, toàn tỉnh có 39/64 đơn vị cấp xã (chiếm 61%) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó có 18 xã đạt nông thôn mới.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Công tác phối hợp ở một số địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên, chưa phân công cụ thể nhiệm vụ cho công chức cấp xã trong theo dõi, đánh giá tiếp cận pháp luật. Sau khi đánh giá, một số đơn vị cấp xã chưa đề ra giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu. Kinh phí cho thực hiện nhiệm vụ này còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Đoàn khảo sát cũng đã trao đổi, giải đáp một số vướng mắc từ thực tiễn triển khai của địa phương; kiến nghị với địa phương nơi khảo sát các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, trong đó tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp khó khăn, vướng mắc; truyền thông, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, chú trọng kiểm tra về tình hình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Thực hiện đánh giá đối với các đơn vị cấp xã thực chất, tránh hình thức; có sự phân công cụ thể cơ quan, tổ chức, công chức theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật; quan tâm bố trí kinh phí triển khai nhiệm vụ. Sau khi đánh giá, cấp xã cần có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: