Theo Báo cáo của Sở Tư pháp, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế có 94 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 204 cấp huyện, 1.797 Tuyên truyền viên pháp luật. Đa số Báo cáo viên pháp luật đều có trình độ cử nhân Luật trở lên, một số mặc dù không có trình độ cử nhân luật nhưng có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành và có kinh nghiệm trong công tác. Các Báo cáo viên pháp luật cơ bản có kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo quy định và theo yêu cầu của Lãnh đạo cơ quan quản lý.
Tại Hội thảo, các đại biểu thẳng thắng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế chủ yếu của Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật, như: Một số Báo cáo viên hoạt động còn mang tính hình thức, nghĩa là, được công nhận trên danh nghĩa nhưng thực tế chưa trực tiếp triển khai, tuyên truyền miệng pháp luật. Vấn đề này dẫn đến thực tế, mặc dù số lượng Báo cáo viên được công nhận cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhưng khi cần tuyên truyền pháp luật thì không có báo cáo viên pháp luật, nhiều địa phương do công chức Tư pháp đảm nhiệm, kể cả những nội dung không thuộc chuyên ngành. Có những Báo cáo viên pháp luật chưa thật sự có kỹ năng tuyên truyền miệng tốt. Thiếu sự thông tin, báo cáo về tình hình hoạt động của Báo cáo viên pháp luật giữa cơ quan quản lý với cơ quan Tư pháp – cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu về công tác này.
Về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trước hết là cơ chế. Quy định về điều kiện báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật còn mang tính khái quát, cụ thể:
Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định Báo cáo viên pháp luật “Có khả năng truyền đạt” nhưng khả năng truyền đạt chưa có tiêu chí kiểm chứng;
Điều 37 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định về Tuyên truyền viên pháp luật có “kiến thức, am hiểu về pháp luật”, nhưng thực tế rất ít Tuyên truyền viên có đủ tự tin để thực hiện. Một số cơ quan đề nghị công nhận Báo cáo viên pháp luật với số lượng nhiều người (chỉ cần đủ điều kiện có trình độ cử nhân luật là đề nghị) mà chưa quan tâm đến tính thực chất, khả năng truyền đạt của người được đề nghị. Trong khi đó, pháp luật cũng chưa quy định cụ thể về việc cơ quan Tư pháp có quyền được thẩm tra về điều kiện này.
Về chính sách,
sự quan tâm của cơ quan đề nghị công nhận Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật chưa đầy đủ (thiếu sự hỗ trợ tài liệu, chế độ cho Báo cáo viên, Tuyên truyền viên nếu thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan,…).
Ngoài ra, bản thân Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật chưa thật sự tâm huyết với công tác này. Nhiều người khi được mời tuyên truyền về lĩnh vực mình phụ trách nhưng từ chối (nhất là ở cấp huyện); hoặc chưa có sự quan tâm đúng mức, chuẩn bị chu đáo cho một buổi tuyên truyền, dẫn đến nội dung, phương pháp truyền đạt kém hiệu quả.
Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Báo cáo viên pháp luật đã được các đại biểu đề xuất, như: Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện về cơ chế; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp bảo đảm hoạt động của Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật theo quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BTP; kiến nghị Bộ Tư pháp xây dựng Bộ công cụ đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; hoàn thiện các kỹ năng của Báo cáo viên pháp luật, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay; huy động sự tham gia của luật gia, luật sư trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật...