Liên kết website

Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32 CT/TW tại tỉnh Quảng Bình

27/06/2019

Vừa qua, ngày 20/6/2019, Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân” (sau đây gọi là Chỉ thị số 32-CT/TW) đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá tình hình, kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW” tại tỉnh Quảng Bình.

Hội thảo được diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cùng với sự tham gia của đại diện Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình, Lãnh đạo Sở Tư pháp, Lãnh đạo phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật của 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Hải Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khẳng định, cùng 62 tỉnh thành trong cả nước, thời gian qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được tỉnh Quảng Bình đặc biệt quan tâm, Chỉ thị số 32-CT/TW đã được các cấp ủy thực hiện nghiêm túc, có chiều sâu, trở thành động lực, trọng tâm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; góp phần tạo môi trường pháp lý an toàn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Các cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo các bộ, ngành đã nhận thức được vị trí đúng đắn, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL nên đã có sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo đổi mới công tác PBGDPL tại các địa phương; đồng thời, luôn luôn phát huy vai trò gương mẫu của các cán bộ, đảng viên trong việc tuyên truyền, PBGDPL; kịp thời đôn đốc, chỉ đạo và xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai; quan tâm cân nhắc, tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, trách nhiệm và có khả năng tuyên truyền, giáo dục pháp luật để bố trí làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, công chức pháp chế, trở thành "đầu mối" nhằm tham mưu giúp lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ PBGDPL đạt kết quả cao...      
Tại Hội thảo, các ý kiến phát biểu đã nhấn mạnh đến quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; những kết quả đạt được trong 15 năm thực hiện và những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện; cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL; đưa ra các mô hình, cách làm hay, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của của cán bộ, nhân dân về ý thức tự giác học tập và chấp hành pháp luật. Có thể thấy, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đa phần có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhiều dân tộc thiểu số, tuy nhiên, công tác thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW cũng đã đạt được nhiều kết quả thực chất, đáng ghi nhận.
Quang cảnh chung và đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong thực hiện PBGDPL, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đồng thời nhận định các ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận đã tập trung xoay quanh các gợi ý thảo luận do Ban Tổ chức đưa ra. Tại nhiều địa phương, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW đã được thực hiện nghiêm túc, toàn diện đến 3 cấp chính quyền, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cũng như các cơ quan, các sở, ban, ngành. Qua đó, nhận thức của các cấp ủy đảng đối với công tác PBGDPL đã được thay đổi về chất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đã được tăng cường bằng những chỉ thị, kế hoạch cụ thể. Việc đôn dốc, kiểm tra đối với quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPLcũng đã được chú trọng.
Từ đó, công tác PBGDPL đã dần đi vào chiều sâu, có hiệu quả, có sự lan tỏa thực sự vào việc nâng cao ý thức pháp luật của người dân cũng như của cán bộ, công chức và góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội cũng như giúp cho các địa phương thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, quá trình triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định, ngay trong Thông báo kết luận số 74-TB/TW ngày 11/5/2007 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, cũng như tại Hội thảo đã nhận định, một số cấp ủy, đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, từ việc ban hành chỉ thị, kế hoạch, và đặc biệt sau đó là công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; việc bố trí nguồn lực, ngân sách để triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW còn chưa thỏa đáng, rất khó để triển khai. Nguồn lực không chỉ có ngân sách nhà nước mà còn cần phải có sự xã hội hóa để thực hiện tốt công tác PBGDPL nói chung và việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW nói riêng. Tiếp theo là hình thức, mô hình, nội dung PBGDPL nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa đạt được hiệu quả, chưa xác định được nội dung nào cần phổ biến, phổ biến với ai, đối tượng nào, với mỗi đối tượng cần hình thức cụ thể ra sao.
Về nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đồng chí Lê Vệ Quốc nhấn mạnh, nhìn chung tất cả đại biểu đều thống nhất hoàn toàn đủ cơ sở về mặt lý luận chính trị-pháp lý và thực tiễn để có thể tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng thay thế thay thế Chỉ thị số 32-CT/TW bằng văn kiện mới để đáp ứng yêu cầu của công tác PBGDPL trong thời gian tới.
Về vấn dề mang tính kỹ thuật, các địa phương, các cấp ủy đảng cần tiếp tục quan tâm, có sự chỉ đạo, đặc biệt đối với vai trò của ngành tư pháp trong tham mưu việc tổng kết đạt chất lượng, hiệu quả, thực chất.
Kết quả tại Hội thảo cũng là chất liệu để trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW tổng hợp đưa vào nội dung Báo cáo chung trình Ban Bí thư Trung ương./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: