Liên kết website

Một số giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa ngành Tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hòa giải ở cơ sở

11/10/2019

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 thì quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và quy chế phối hợp công tác do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan nhà nước có liên quan ở từng cấp ban hành. Trong công tác hòa giải ở cơ sở, theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 , Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc phối hợp giữa ngành Tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thể hiện ở các mặt cơ bản sau:

1. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở
Để công tác phối hợp giữa ngành Tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật, thống nhất, hiệu quả từ trung ương đến cấp cơ sở, ngày 18/11/2014, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp ban hành Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Việc phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở được Bộ Tư pháp và Ban thường trực Ủy ban TƯMTTQVN thực hiện lồng ghép trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hàng năm.
Ở địa phương, để quan hệ phối hợp giữa cơ quan Tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quản lý công tác hòa giải được chặt chẽ, thường xuyên, có hiệu quả, nhiều địa phương đã xây dựng văn bản phối hợp dưới các hình thức như: Kế hoạch liên tịch, hướng dẫn liên tịch, chương trình phối hợp, quy chế phối hợp... Việc phối hợp còn được thể hiện thông qua việc Sở Tư pháp tổ chức lấy ý kiến UBMTTQVN cấp tỉnh đóng góp vào dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trước khi trình ký ban hành[1].
Cùng với ngành Tư pháp, Ủy ban MTTQVN cấp tỉnh tại các địa phương đã thường xuyên chỉ đạo UBMTTQVN cấp huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật và trong các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.
2. Xây dựng, củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở
Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Tư pháp và Ban thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tình hình thực tế ở địa phương, Phòng Tư pháp thường xuyên phối hợp với Ủy ban MTTQVN cấp huyện xây dựng, triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị chung tại địa phương, hướng dẫn UBND cấp xã phối hợp với UBMTTQVN cùng cấp trong việc rà soát, thành lập, kiện toàn tổ hòa giải, công nhận, cho thôi tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên. Công tác phối hợp, rà soát, thành lập mới, kiện toàn tổ hòa giải được các địa phương thực hiện căn cứ theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở 2013 và Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN , cụ thể hoạt động phối hợp này được thực hiện như sau:
- Trên cơ sở hướng dẫn của Phòng Tư pháp và Ủy ban MTTQVN cấp huyện, hàng năm, công chức Tư pháp - hộ tịch đều tham mưu UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQVN cùng cấp rà soát, đánh giá về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn.
- Trưởng Ban công tác mặt trận chủ trì, phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải tiến hành rà soát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải. Căn cứ kết quả rà soát, đánh giá, Trưởng ban Công tác mặt trận kiến nghị Ủy ban MTTQVN phối hợp với công chức Tư pháp - hộ tịch đề nghị UBND cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải ở địa phương và số lượng hòa giải viên trong mỗi tổ hòa giải.
- Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu người vào danh sách bầu hòa giải viên; Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với Tổ trưởng tổ dân phố/ Trưởng ấp tổ chức bầu hòa giải viên.
- Công chức Tư pháp - hộ tịch căn cứ kết quả bầu hòa giải viên, đề xuất Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, công nhận.
So với trước khi có Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, cơ cấu, số lượng và chất lượng của tổ hòa giải, hòa giải viên được nâng lên, trong đó chú trọng những người có trình độ, trẻ, uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoạt động thường xuyên. Công tác rà soát, kiện toàn được các địa phương thực hiện hàng năm, đặc biệt sau khi Luật hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành. Theo số liệu thống kê cả nước thì: Năm 2014 có 674.951 hòa giải viên/ 121.706 tổ hòa giải; Năm 2015 có 658.783 hòa giải viên/ 120.176 tổ hòa giải; Năm 2016 có 661.344 hòa giải viên/ 112.291 tổ hòa giải; Năm 2017 có 653.702 hòa giải viên/ 109.184 tổ hòa giải; Năm 2018 có 652.819 hòa giải viên/107.086 tổ hòa giải.
Trong các tổ hòa giải, nòng cốt thường là sự tham gia của cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể như Hội cựu chiến binh, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội người cao tuổi, Hội nông dân… và những người có uy tín tại địa phương. Như tại tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh có 2.099 tổ hòa giải/2096 thôn, xóm, tổ nhân dân với 12.896 hòa giải viên thì trong đó có tới 2.099 hòa giải viên là Trưởng ban công tác mặt trận thôn, xóm.
3. Lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động ở cơ sở do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động
Việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trọng tâm là việc tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân tự giác chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng là một trong những mục tiêu đặt ra của công tác hòa giải ở cơ sở. Do đó, công tác này đã được Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm, thực hiện lồng ghép trong hầu hết các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở là một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động, góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở, gắn hoạt động hòa giải vào việc thực hiện các chương trình, đề án, các phong trào văn hóa xã hội, các mục tiêu chung ở cơ sở. Như tại tỉnh Tuyên Quang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã cụ thể hóa các nội dung thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành tiêu chí bình xét “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư tiên tiến”, “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa” trong các cuộc vận động. Tại tỉnh Điện Biên, để thực hiện hiệu quả việc lồng ghép công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào khác, năm 2014, UBMTTQ huyện Tuần Giáo đã tổ chức thí điểm mô hình “Tổ an ninh tự quản” ở bản Huổi Sáy, xã Nà Sáy. Từ hiệu quả của mô hình, năm 2015 đã phát động các khu dân cư nhân rộng mô hình tự quản và đến nay các mô hình tự quản này đã từng bước đi vào hoạt động nề nếp, có hiệu quả, phát huy tốt vai trò của Tổ trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật trong nhân dân.
Với tính chất là tổ chức gần gũi, có tầm ảnh hưởng sâu rộng và chi phối đến nhiều mặt của đời sống cộng đồng dân cư, huy động đông đảo các thành phần xã hội tham gia, Mặt trận Tổ quốc có lợi thế rất lớn khi tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Nhận thức rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương trong công tác hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp và Ủy ban MTTQVN cùng cấp đã đẩy mạnh triển khai đến tận cơ sở và được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tại cấp xã ủng hộ và phối hợp thực hiện. Cụ thể Mặt trận Tổ quốc cấp xã một số nơi đã chỉ đạo Ban công tác mặt trận ấp, khu phố, tổ dân cư tổ chức lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11”; tích cực phối hợp với chính quyền vận động nhân dân giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư bằng biện pháp hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện còn phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch giám sát, lồng ghép giám sát việc thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở. Qua đó, đã đưa chính sách, pháp luật của nhà nước tới nhân dân; đồng thời khi thực hiện lồng ghép đã giúp đông đảo quần chúng nhân dân hiểu được vị trí, vai trò quan trọng của công tác này trong việc ổn định trật tự an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, công tác phối hợp tại cấp xã còn được thực hiện thông qua việc hướng dẫn, chỉ đạo khu dân cư thực hiện lồng ghép hòa giải ở cơ sở với xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, trong đó đề ra các biện pháp duy trì, bảo vệ trật tự an toàn xã hội; phát hiện kịp thời và đấu tranh với mọi hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, giải quyết những mâu thuẫn, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, hỗ trợ tích cực cho hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật, giảm thiểu các tiêu cực phát sinh, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sơ, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQVN các cấp còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các ngành chức năng tích cực tuyên truyền pháp luật về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở đến các tầng lớp nhân dân thông qua các hội nghị, tờ rơi, tờ gấp, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, trong các cuộc họp chi, tổ, hội...; thông qua hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách về hòa giải ở cơ sở. Như trong năm 2018, Ban thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 158/KH-MTTQ-BTT ngày 12/7/2018 và đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách về hòa giải ở cơ sở năm 2018 tại các xã, thị trấn: xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy..., qua đó đề nghị đơn vị được giám sát phát huy những ưu điểm, khắc phục những khó khăn, hạn chế.
4. Phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở
Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp đã tích cực phối hợp với cơ quan Tư pháp, tham gia và có những đóng góp đáng kể cho công tác này. Công tác phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua được ngành Tư pháp và Mặt trận thực hiện gồm:
a) Phối hợp trong việc kiểm tra hoạt động hòa giải của tổ hòa giải thông qua việc lồng ghép trong kiểm tra công tác PBGDPL 6 tháng, hàng năm của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục cấp tỉnh, cấp huyện; hoặc tổ chức kiểm tra chuyên đề về hòa giải ở cơ sở.
Để thu thập thông tin, nắm bắt, đánh giá việc thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, qua đó kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm thực hiện nghiêm Luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; đồng thời đôn đốc nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, cơ quan tư pháp các cấp đã tiến hành kiểm tra công tác hòa giải như một nội dung trong kiểm tra công tác tư pháp theo định kỳ hàng năm.  
Ở Trung ương, kể từ khi Luật hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, định kỳ hằng năm, Bộ Tư pháp đều chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban TƯMTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch công tác kiểm tra việc thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở[2]. Thành viên các đoàn kiểm tra luôn bao gồm đại diện cơ quan Tư pháp, Mặt trận và tùy từng trường hợp, địa bàn được kiểm tra cụ thể có thể mời thêm đại diện của các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia. Việc kiểm tra được Trung ương tiến hành đến tận cấp cơ sở, bảo đảm khách quan, nghiêm túc[3].
Tại địa phương, trên cơ sở Kế hoạch công tác kiểm tra thực hiện Luật hàng năm của trung ương, các cơ quan Tư pháp (cấp tỉnh, cấp huyện) đều chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra tại địa phương mình. Trong quá trình kiểm tra, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, Mặt trận tổ quốc Việt Nam cùng cấp đã có những phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình theo dõi, thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở để từ đó đề ra những giải pháp tháo gỡ kịp thời, cũng như phát hiện những mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
Bên cạnh việc kiểm tra, hoạt động sơ kết, tổng kết về công tác hòa giải ở cơ sở đã được các địa phương chủ động lồng ghép trong hoạt động sơ kết, tổng kết công tác tư pháp của cấp huyện, cấp tỉnh hằng năm và lồng ghép khen thưởng, biểu dương các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương.
b) Công tác biên soạn, cấp phát tài liệu; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên. Nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc ngành Tư pháp phối hợp thường xuyên với MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là việc bố trí kinh phí in ấn, cấp phát tài liệu cho hòa giải viên. Tính đến nay, phần lớn các tổ hòa giải đều đã được trang bị những văn bản pháp luật cơ bản phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở như Luật hòa giải ở cơ sở 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật đất đai, Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Tỉnh Tuyên Quang, Sở Tư pháp, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh biên soạn, cung cấp 97.550 bộ tài liệu, sách pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ công tác hòa giải, Bản tin công tác Mặt trận cho các tổ hòa giải; đồng thời nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên, cơ quan Tư pháp từ cấp tỉnh đến cấp huyện và Mặt trận tổ quốc cùng cấp đã tổ chức, phối hợp tổ chức 1.599 lớp tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 186.346 lượt người. Tỉnh Gia Lai, từ năm 2009 đến nay, đã biên soạn và phát hành miễn phí khoảng 670.000 tài liệu tuyên truyền các loại đến các cơ quan, tổ chức và đến từng thôn, làng, tổ dân phố, trong đó có hòa giải viên.
Đặc biệt, năm 2016, nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên, giúp địa phương có sơ sở, tài liệu nguồn để bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải viên, Bộ Tư pháp ban hành Bộ tài liệu nguồn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng về hòa giải cho hòa giải viên và đã có Công văn hướng dẫn các địa phương cách khai thác, sử dụng Bộ tài liệu. Trên cơ sở Bộ tài liệu và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các địa phương đã tích cực triển khai tập huấn, bồi dưỡng các nội dung của Bộ tài liệu cho đội ngũ hòa giải viên hoặc lựa chọn nội dung phù hợp để in ấn, cấp phát cho tổ hòa giải.
Bên cạnh đó, tại một số địa bàn cơ sở còn bố trí tủ sách pháp luật phục vụ cho nhân dân và cho tổ hòa giải khi có nhu cầu tra cứu các quy định pháp luật cần thiết. Tính đến nay, về cơ bản, việc cấp phát tài liệu đã bảo đảm cho việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.
Công tác bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải viên được các địa phương tích cực triển khai tổ chức hàng năm, theo số liệu báo cáo thống kê công tác hòa giải ở cơ sở trên cả nước về số lượng hòa giải viên được tập huấn, bồi dưỡng thì:  Năm 2014 có 380.120 hòa giải viên; Năm 2015 có 403.280 hòa giải viên; Năm 2016 có 436.620 hòa giải viên; Năm 2017 có 415.276 hòa giải viên; Năm 2018 có 425.068 hòa giải viên. Một số địa phương có tỷ lệ hòa giải viên được tập huấn bồi dưỡng cao như tỉnh Hà Nam (100%), tỉnh Bình Dương (95,6%), tỉnh Đồng Tháp (91,6%) và tỉnh Hậu Giang (92,7%).
Một trong các hình thức phối hợp nhằm góp phần nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên đạt hiệu quả cao là việc tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi:
Tại Trung ương, năm 2016, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban TƯMTTQVN, ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức thành công Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III, tạo tiếng vang, sức lan tỏa lớn, thu hút được 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia. Hội thi là dịp để phát hiện, biểu dương các hòa giải viên tiêu biểu, xuất sắc; tạo cơ hội cho các hòa giải viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ này, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ hòa giải trong tình hình hiện nay, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống cộng đồng.
Tại các địa phương, tùy từng điều kiện thực tế hàng năm, các Sở Tư pháp đều chủ động tham mưu UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với UBMTTQVN cùng cấp phát động, tổ chức cuộc thi. Tỉnh Quảng Bình, từ năm 2009 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh và các sở, ngành có liên quan tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi” tỉnh lần thứ V, lần thứ VI. Năm 2018 có 02 tỉnh là tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Đắk Lắk phát động, tổ chức Hội thi trên toàn tỉnh, năm 2019 có tỉnh Hòa Bình phát động, tổ chức thi trên toàn tỉnh.                                                      c) Phối hợp về xem xét, kiến nghị chính quyền cùng cấp đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương về kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất.
Thực hiện Điều 6 Luật hòa giải ở cơ sở, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP. Trên cơ sở quy định của Thông tư này, tính đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành văn bản quy định mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Các tỉnh còn lại đều thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 100 (gồm, tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thái Nguyên và tỉnh Thanh Hóa). Thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở, UBMTTQVN các cấp đã quan tâm xem xét, kiến nghị chính quyền cùng cấp đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hòa giải tại địa phương về kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất.
d) Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã phát huy vai trò của mình trong việc tích cực phối hợp tham gia trực tiếp hòa giải các vụ việc, tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên, hội viên của tổ chức mình tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở. Thực tiễn cho thấy, cán bộ Mặt trận, đoàn thể thường là những người có uy tín trong quần chúng nhân dân, có kinh nghiệm trong công tác tập hợp, vận động, thuyết phục quần chúng nên khi tham gia hòa giải, họ phát huy được khả năng cũng như uy tín của mình để giải quyết các tình huống, mang lại hiệu quả cao.
* Một số giải pháp tăng cường phối hợp giữa ngành Tư pháp và MTTQVN
Ưu điểm:
Có thể thấy, qua hơn 05 năm thực hiện, Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN  đã tạo cơ sở pháp lý cho hai ngành phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Công tác phối hợp giữa hai bên ngày càng có sự chuyển biến, các hoạt động được triển khai xuyên suốt, tạo sự đồng thuận và sự vào cuộc từ cấp trung ương tới cấp cơ sở, hiệu quả hoạt động được nâng cao. Các nhiệm vụ đề ra trong chương trình, kế hoạch hằng năm cơ bản được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú gắn với công tác tư pháp, công tác Mặt trận.
Tại các địa phương, mối quan hệ công tác giữa ngành Tư pháp và MTTQ luôn được củng cố, tăng cường, phát huy. Sự quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác hòa giải ở cơ sở, sự phát huy hết vai trò của Ủy ban MTTQ VN các cấp, cùng với sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Việc lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thực hiện các  phong trào, cuộc vận động góp phần tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở. Số tổ hòa giải và hòa giải viên đã được rà soát và kiện toàn đầy đủ, chất lượng đội ngũ hòa giải viên ngày càng được nâng lên đã góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, thể hiện rõ nét trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như hình sự, dân sự, giảm tệ nạn xã hội, giảm các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư[4].
- Việc phối hợp thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở đã được các địa phương xây dựng thành cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp và ngành Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở, gắn với phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân tại cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các phong trào, cuộc vận động ở khu dân cư.
Hoạt động của các tổ hòa giải được gắn liền với nhiệm vụ của tổ dân phố, khu dân cư, ấp nhân dân nên sát với thực tế; những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở trong nhân dân đã được hòa giải nhanh chóng, kịp thời, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
- Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân:
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp trong công tác hòa giải ở cơ sở giữa ngành Tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng còn một số tồn tại, hạn chế sau:
- Việc phối hợp giữa cơ quan Tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một số xã, phường, thị trấn còn mang tính định hướng công việc, chung chung, chưa xác định hết đầu công việc phải phối hợp thực hiện trong năm, chưa phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tập thể và cá nhân phụ trách, nên ảnh hưởng đến công tác hòa giải ở cơ sở. Việc phối hợp tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trong một số thời điểm còn chưa sâu sát, kịp thời, bị động, lúng túng, khi có sự đôn đốc của cấp trên mới triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, công tác phối hợp ở một số địa phương còn thiếu đồng bộ, Mặt trận một số cơ sở thiếu quan tâm, xem đây là công tác của ngành Tư pháp nên chưa phát huy hết vai trò nòng cốt của mình, hoạt động còn mờ nhạt.
- Việc lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động ở cơ sở do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, các phong trào thi đua yêu nước mặc dù đã được quan tâm triển khai nhưng ở một số nơi chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả chưa cao.
- Việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật ở một số địa phương mới chỉ đến đối tượng tổ trưởng tổ hòa giải, còn các thành viên trong tổ hòa giải hiện nay ít được quan tâm bồi dưỡng, trong khi đối tượng này thường là người trực tiếp thực hiện hòa giải. Ở một số địa phương, công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở còn chậm đổi mới về nội dung và hình thức thực hiện nên hiệu quả chưa cao. Đối với một số tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi cộng đồng dân cư đều có nét văn hóa, phong tục khác nhau nên để am hiểu tiếng nói, phong tục, tập quán của các cộng đồng dân tộc khác nhau nhằm phục vụ cho công tác hòa giải  là điều không dễ dàng đối với đội ngũ hòa giải viên. Hơn nữa, mặt bằng dân trí nhìn chung còn thấp, nhiều nơi còn tồn tại các hủ tục lạc hậu, coi trọng việc giải quyết các tranh chấp, vướng mắc trong đời sống hàng ngày theo phong tục, tập quán của dân tộc mình nên vẫn còn xảy tình trạng vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở nhất là tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (như tại tỉnh Gia Lai, qua kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở năm 2015 cho thấy, vẫn còn hiện tượng hòa giải viên người dân tộc cho ly hôn theo phong tục, tập quán của dân tộc mình).
- Một số vụ việc các bên tranh chấp, xung đột cho rằng hòa giải ở cơ sở không có giá trị pháp lý nên không đồng ý với kết quả hòa giải mà cho rằng khi đã tranh chấp thì phải tranh chấp đến cùng. Từ khi Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành (Bộ Tư pháp đã có Công văn hướng dẫn số 1503/BTP-PBGDPL ngày 05 tháng 5 năm 2017 V/v hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở) đã tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao vị thế, vai trò của hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, sau hơn một năm thi hành, số lượng vụ việc được tòa án công nhận vẫn còn ít do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau (Theo Báo cáo số 74/BC-PBGDPL ngày    12/12/2018 thì tính đến ngày 30/9/2018, cả nước có 08 vụ việc đưa ra Tòa án yêu cầu công nhận và được Tòa án công nhận 03 vụ việc, không công nhận 01 vụ việc, đình chỉ xét đơn yêu cầu 04 vụ việc.
- Ban công tác Mặt trận ở cơ sở đôi lúc chưa chủ động kiến nghị Ban thường trực UBMTTQVN cấp xã trong củng cố, kiện toàn tổ hòa giải khi có sự thay đổi. Việc quy định khi có sự thay đổi hòa giải viên phải tổ chức bầu trong Luật hòa giải ở cơ sở chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương bởi hòa giải viên thường xuyên có sự thay đổi trong khi quy trình bầu, công nhận hòa giải viên được quy định lại bao gồm rất nhiều bước.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nguyên nhân sau:
- Sự phối hợp giữa hai ngành chưa được thường xuyên trong chỉ đạo, hướng dẫn; Công tác sơ kết hàng năm tại cấp trung ương chưa được quan tâm thực hiện, do đó, chưa cập nhật và phối hợp giải quyết đầy đủ những khó khăn vướng mắc trong quá trình phối hợp.
- Một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, chưa đặt nhiệm vụ này ngang tầm với một số nhiệm vụ khác nên chưa quan tâm, đầu tư đúng mức.
- Mặt trận tổ quốc Việt Nam ở một số địa phương chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ theo quy định; chưa thực sự là “cầu nối” liên kết để vận động, hòa giải kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân dẫn đến mâu thuẫn kéo dài, ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm hoặc khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền.
- Số lượng hòa giải viên có trình độ chuyên môn về luật ít. Theo thống kê của Bộ Tư pháp thì năm 2014 có 18.291, năm 2015 có 20.065, năm 2016 có 30.756, năm 2017 có 28.006 và năm 2018 có 22.610 hòa giải viên có trình độ chuyên môn về luật, chiếm tỷ lệ không quá 4% tổng số hòa giải viên. Ở một số nơi tổ trưởng tổ dân phố, trưởng bản... được nhân dân trong tổ bầu kiêm nhiệm tổ trưởng tổ hòa giải cùng với các đại diện của Ban công tác mặt trận và thành viên của các tổ chức, đoàn thể khác. Thực trạng này dẫn đến việc  khi tiến hành hòa giải, đôi khi ranh giới giữa tổ trưởng tổ dân phố, trưởng bản với tổ trưởng tổ hòa giải không rõ ràng, dễ dẫn đến mệnh lệnh, áp đặt, từ đó làm mất đi ý nghĩa của công tác hòa giải.
- Kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở ở trung ương, địa phương chủ yếu sử dụng trong kinh phí thường xuyên được phê duyệt định kỳ hằng năm của cơ quan Tư pháp (hoặc từ nguồn kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL) và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nên kinh phí nhìn chung còn hạn hẹp, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã. Việc huy động các nguồn lực khác ngoài kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện còn chưa được chú trọng.
Một số đề xuất, kiến nghị:
- Đề xuất nghiên cứu xây dựng Chương trình phối hợp giữa ngành Tư pháp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tập trung vào giám sát việc thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở, trong đó quy định cụ thể các thiết chế để tăng cường tính thực thi, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và có hiệu quả; chú trọng xây dựng kế hoạch hằng năm; định kỳ sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, có biện pháp động viên, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện.
- Sửa đổi quy định về bầu hòa giải viên tại Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN theo hướng đơn giản hơn, tránh việc hành chính hóa quy trình bầu, công nhận hòa giải viên, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức bầu hòa giải viên, bảo đảm khách quan và thể hiện đúng nguyện vọng của người dân.
- Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hóa quy định trách nhiệm của Mặt trận TQVN các cấp trong phối hợp và giám sát thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
  • Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo hệ thống Ủy ban MTTQVN các cấp tiếp tục phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn nữa với ngành Tư pháp trong công tác xây dựng chương trình, triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh lồng ghép việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động; kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với hoàn thiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
  • Nghiên cứu, xem xét, quy định đưa tiêu chí chất lượng hòa giải (tỷ lệ hòa giải thành) là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng chính quyền và đoàn thể hằng năm ở cơ sở; nghiên cứu việc gắn kết công tác hòa giải ở cơ sở với hoạt động của luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, với hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời giải tỏa các vướng mắc, mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột tại địa bàn dân cư; khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật đã nghỉ hưu, người có uy tín, kinh nghiệm xã hội tham gia công tác hòa giải ở cơ sở./.
 
[1] Quảng Trị
[2] Kế hoạch số 267/KH-BTP ngày 27/01/2015; Kế hoạch số 1082/KH-BTP ngày  06  tháng 4 năm 2016; Kế hoạch số 1455/KH-BTP ngày 03 ngày 5 tháng 2017; Kế hoạch số 1452/KH-BTP ngày 02 tháng 5 năm 2018
[3] Các tỉnh đã được Trung ương  kiểm tra gồm:  Hòa Bình, Sơn La, Gia Lai, Phú Yên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hải Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Quảng Nam.
[4] Tỷ lệ hòa giải thành cả nước: Năm 2014, hòa giải thành 140.450/178.163 vụ việc, đạt tỷ lệ 81.1%; Năm 2015, hòa giải thành 129.077/161.700 vụ việc, đạt tỷ lệ 81.3%;  Năm 2016, hòa giải thành 125.011/155.498 vụ việc, đạt tỷ lệ 81.4%; Năm 2017, hòa giải thành 108.757/132.598 vụ việc, đạt tỷ lệ 82.03%; Năm 2018, hòa giải thành 109.512/132.817 vụ việc, đạt tỷ lệ 82.3%.
Các tin đã đưa ngày: