Để tiếp tục triển khai hoạt động ý nghĩa trên, trong 04 ngày 27-30/6/2022, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức Hội nghị tập huấn bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở cho các tập huấn viên cấp huyện và hòa giải viên của tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội nghị được triển khai trong khôn khổ của Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do Liên minh Châu âu tài trợ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật nhấn mạnh: Hòa giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần giải quyết có hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, ngay từ khi mới phát sinh, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của nhân dân cũng như của Nhà nước, góp phần giảm bớt khiếu kiện của nhân dân. Để hoạt động hòa giải phát huy giá trị, trở thành địa chỉ tin cậy của mọi người dân, nhất là phụ nữ và các đối tượng yếu thế, đáp ứng yêu cầu của một xã hội tiến bộ trong việc bảo đảm đối đa sự công bằng xã hội trong đó có bình đẳng giới đòi hỏi hòa giải viên không chỉ cần có kiến thức pháp luật và kỹ năng hoà giải mà họ còn cần có sự hiểu biết về các vấn đề giới và bình đẳng giới. Việc nhận thức rõ sự khác nhau trong vai trò, nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích và trải nghiệm giữa phụ nữ và nam giới cũng như những khó khăn của mỗi bên sẽ giúp hòa giải viên đề xuất được giải pháp phù hợp, góp phần giảm thiểu sự bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử về giới.
Vấn đề trên càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh Nhà nước ta luôn đề cao bình đẳng giới bằng việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề này cũng như ký kết tham gia các Công ước Quốc tế liên quan đến bình đẳng giới (Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952; Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ năm 1979 (CEDAW). Một trong những nguyên tắc được quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở là “bảo đảm bình đẳng giới” và tổ hòa giải phải có hòa giải viên nữ. Hiện nay, theo số liệu của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 87.359 tổ hòa giải với 600.472 hòa giải viên ở cơ sở. Trong đó, chỉ có 153.119 hòa giải viên nữ, chiếm 26,5% hòa tổng số giải viên ở cơ sở. Đây là vấn đề chúng ta cần cải thiện trong thời gian tới và việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở có kiến thức về giới và phương pháp hòa giải có hiểu biết về giới là hoạt động thiết thực góp phần quan trọng trong tuân thủ nguyên tắc bình đẳng giới, hướng tới việc tăng tỷ lệ hòa giải thành và bảo đảm sự công bằng và giá trị bền vững của kết quả hòa giải thành, góp phần nâng cao hiệu quả hòa giải ở cơ sở.
Tập huấn nghiệp vụ về bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở là vấn đề rất khó vì trình độ, nhận thức và kỹ năng của các tổ hòa giải, hòa giải viên hiện nay không đồng đều. Tuy nhiên, với phương pháp tập huấn hiện đại, đổi mới, Hội nghị đã được các tập huấn viên tham gia hưởng ứng, nhiệt tình tương tác với không khí sôi nổi, giúp cho việc tập huấn bảo đảm tính thực chất, hướng tới mục tiêu cao nhất, cuối cùng của hoạt động này là trang bị và ngày càng nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo đảm bình đẳng giới cho các hòa giải viên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, để tất cả các vụ việc hòa giải đều được thực hiện, giải quyết phù hợp với tính chất nhân văn sâu sắc của công tác này./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật