Liên kết website

Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật được tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg

19/09/2024

Ngày 06/9/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 1483/QĐ-BTTTT tặng Bằng khen cho các tập thể, trong đó có Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg, với vai trò tham mưu của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác truyền thông chính sách của Bộ Tư pháp được xác định là một nhiệm vụ quan trọng và luôn chú trọng đẩy mạnh công tác chỉ đạo, hướng dẫn truyền thông chính sách. Đặc biệt là việc truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Triển khai Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020[1], để kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật, Bộ Tư pháp đã tham mưu xây dựng và ban hành Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Việc triển khai công tác truyền thông chính sách theo Đề án bước đầu đạt được một số kết quả nổi bật, góp phần tích cực cho công tác truyền thông chính sách theo yêu cầu của Chỉ thị số 07/CT-TTg. Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã chủ động, tích cực tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp kịp thời hướng dẫn, định hướng các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương để thực hiện công tác truyền thông chính sách bám sát yêu cẩu nhiệm vụ, thực tiễn, gắn với các nhiệm vụ triển khai xây dựng, ban hành Luật, Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn chi tiết, thi hành theo chương trình của Quốc hội, Chính phủ.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách về truyền thông dự thảo chính sách để tạo lập cơ chế pháp lý quan trọng phục vụ việc triển khai có hiệu quả nhiệm vụ. Cụ thể như Cục đã tham mưu bổ sung nội dung truyền thông dự thảo chính sách vào Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 của Chính phủ[2]. Theo đó lần đầu tiên, công tác truyền thông dự thảo chính sách được xác định là nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương cần triển khai trong quá trình xây dựng VBQPPL; đồng thời được xác định là một hoạt động của công tác xây dựng pháp luật và được bố trí kinh phí ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, hiện Cục cũng đang tích cực nghiên cứu, đề xuất chính sách trong quá trình nghiên cứu và xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) theo hướng đưa nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách trở thành quy trình bắt buộc trong quá trình xây dựng VBQPPL. Để tạo cơ sở pháp lý về nguồn lực triển khai công tác truyền thông chính sách, với sự tham mưu và tích cực phối hợp của Cục PBGDPL, tại Thông tư số 56/2023/TT-BTC[3] đã bổ sung và quy định các nội dung chi, mức chi phục vụ công tác truyền thông dự thảo chính sách.
Giữa Cục PBGDPL và Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2024-2027. Trên cơ sở Chương trình, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin, Cục đã phối hợp với các đơn vị thực hiện các bản tin, chương trình chuyên đề truyền thông các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản..; thường xuyên đăng tải, cập nhật các tin bài về truyền thông dự thảo chính sách trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, zalo PBGDPL, fanpage Cục PBGDPL.
Các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, tạo lập được cơ chế thống nhất trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật. Nhiều hoạt động truyền thông dự thảo chính sách đã được tổ chức với hình thức phong phú, đa dạng; đã huy động được sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và luật sư, luật gia, nhà khoa học tham gia góp ý, phản biện dự thảo chính sách. Gắn kết việc triển khai thực hiện hoạt động truyền thông dự thảo chính sách với xây dựng, hoàn thiện VBQPPL và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng cũng được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương chú trọng. Thông qua đó, các dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL đã dần đến được đối tượng tác động nói riêng, người dân và doanh nghiệp nói chung, góp phần vào việc công khai, minh bạch chính sách, pháp luật./.
Đinh Thị Ánh Hồng - Đỗ Thị Nhẫn
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tang cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
[2] Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.
[3] Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở
Các tin đã đưa ngày: