Cuộc họp được tổ chức dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Tham dự cuộc họp về phía Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục truởng; đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng; cuộc họp có sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ bao gồm: Văn phòng Bộ, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế.
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 là một sự kiện thường niên, với mục tiêu trở thành kênh thông tin kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách, thể chế liên quan đến đời sống pháp lý doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thể hiện trách nhiệm và sự quyết tâm của Chính phủ trong hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại cuộc họp, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa đại diện Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024. Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu Báo cáo số 332/BC-BTP ngày 13/8/2024 của Bộ Tư pháp về rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia cố vấn đến từ các đơn vị: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI); một số hiệp hội doanh nghiệp, một số công ty luật và các chuyên gia kinh tế độc lập, căn cứ chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục PBGDPL đề xuất chủ đề của Diễn đàn là “Chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”, dự kiến tổ chức vào ngày 09/10/2024. Về nội dung, Diễn đàn được tổ chức thành 02 phiên: Phiên 1: Các vướng mắc pháp lý trình tự, thủ tục các dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ; Phiên 2: Các vướng mắc pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ bày tỏ kỳ vọng rằng Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 sẽ trở thành một kênh trao đổi, kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Qua những ý kiến phản ánh, các bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin, nắm bắt sâu sát tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để từng bước có giải pháp tháo gỡ.
Bên cạnh đó, Cục PBGDPL cũng đang phối hợp với các chuyên gia hoàn thiện kịch bản và xây các phóng sự phục vụ các phiên thảo luận của Diễn đàn. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Diễn đàn trong thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ bày tỏ kỳ vọng rằng Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 sẽ trở thành một kênh trao đổi, kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Qua những ý kiến phản ánh, các bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin, nắm bắt sâu sát tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để từng bước có giải pháp tháo gỡ.
Ngược lại, doanh nghiệp cũng nhận diện được tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc đảm bảo ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, hiểu rõ hơn về vai trò của doanh nghiệp trong đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh ghi nhận sự chủ động, tích cực của Cục PBGDPL trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và pháp luật năm 2024. Thư trưởng đề nghị Cục PBGDPL tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ, ngành, Hiệp hội nhằm hoàn thiện nội dung kịch bản, phóng sự của Diễn đàn, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hành chính có liên quan… trước khi báo cáo Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ. Trong đó phải nhấn mạnh hai mục đích chính là tập trung xử lý vướng mắc pháp lý và kiến tạo môi trường pháp lý cho đầu tư phát triển kinh doanh. Đồng thời, cần xác định đây là một sự kiện tầm vóc quốc gia, do đó, cầncông tác truyền thông mạnh mẽ trước, trong và sau Diễn đàn.
Dương Anh Tú
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật