Liên kết website

Thực trạng chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Thành phố Hà Nội

19/09/2024

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có những tác động sâu rộng, tạo ra nhiều thay đổi lớn trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức thi hành pháp luật, cung cấp thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cũng đòi hỏi có sự biến chuyển phù hợp. Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL dựa trên nền tảng của các công nghệ số hiện đại là một trong những giải pháp mang tính chiến lược, có khả năng tạo ra sự thay đổi toàn diện và căn bản về phương thức thực hiện PBGDPL.

Thành phố Hà Nội, với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa và giáo dục của cả nước, đã và đang tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Điều này không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật mà còn để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và xây dựng nền chính quyền điện tử, chính quyền số phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố, hằng năm Sở Tư pháp Thành phố Hà Hội đã tích cực, chủ động tham mưu UBND Thành phố ban hành các Kế hoạch, công văn hướng dẫn triển khai công tác về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn Thành phố. Trong đó, lồng ghép triển khai hoặc chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL theo chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy nhằm tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố.
Điển hình như Trang thông tin điện tử PBGDPL của Thành phố Hà Nội (https://pbgdpl.hanoi.gov.vn) đã đi vào hoạt động từ năm 2014, cung cấp nhiều tin, bài, tình huống pháp luật, video clip phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân và cán bộ với trung bình khoảng 13.000 lượt truy cập mỗi ngày.
Các hoạt động chuyển đổi số trong PBGDPL tại Thành phố Hà Nội cũng đã được triển khai cụ thể với nhiều hình thức sáng tạo, đổi mới. Thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này thông qua việc tổ chức các cuộc thi trực tuyến về tìm hiểu pháp luật như: Cuộc thi "Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng chống tham nhũng” dưới hình thức xây dựng video; cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” bằng hình thức xây dựng video và bình chọn trên website cuộc thi; cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến”; cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn Thành phố được tổ chức dưới hình thức xây dựng video... Thành phố cũng thực hiện xây dựng các video, infographic tuyên truyền về các lĩnh vực pháp luật quan trọng như giao thông, an toàn thực phẩm và an ninh trật tự. Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo và Youtube cũng được sử dụng để lan tỏa thông tin pháp luật đến người dân. Đặc biệt, mô hình "Cầu thang pháp luật" và màn hình LED tại các khu chung cư đã được đưa vào triển khai để tiếp cận người dân tại khu vực sinh hoạt hằng ngày.
Bên cạnh những thuận lợi khi đa số người dân, tổ chức, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước hiện nay đã tham gia quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số như sử dụng smartphone, mạng xã hội…, việc thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL còn gặp phải những khó khăn, tồn tại. Một trong những trở ngại đáng chú ý là chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác chuyển đổi số trong PBGDPL; đội ngũ công chức tham gia công tác này chưa được đào tạo chuyên sâu về các kỹ năng công nghệ thông tin, dẫn đến việc khai thác và sử dụng các ứng dụng công nghệ trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật chưa đạt được hiệu quả mong đợi. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng công nghệ cũng là một vấn đề cần được lưu tâm. Hiện tại, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho công nghệ số chưa được đầu tư đầy đủ và đồng bộ, tốc độ triển khai hạ tầng chậm và thiếu tính kết nối. Việc thiếu một chiến lược và kế hoạch định hướng rõ ràng cũng là một yếu tố làm chậm tiến độ chuyển đổi số khi thiếu sự nhất quán giữa các đơn vị, các cấp quản lý. Hơn hết, việc đầu tư kinh phí vào công nghệ số đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn, trong khi kinh phí cho công tác chuyển đổi số trong PBGDPL còn hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Thành phố Hà Nội đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể. Trước hết, cần tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho đội ngũ công chức làm công tác PBGDPL, đồng thời đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo các trang thiết bị cần thiết như máy tính, đường truyền internet ổn định. Ngoài ra, cần xây dựng và triển khai các ứng dụng công nghệ số phục vụ việc chia sẻ, khai thác thông tin pháp luật một cách hiệu quả. Việc này sẽ giúp người dân và các cơ quan có thể tiếp cận thông tin pháp luật một cách dễ dàng và thuận tiện hơn. Một số giải pháp khác cũng được đề xuất bao gồm việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực về bảo mật và an toàn thông tin trong quá trình này, phát triển các hình thức tuyên truyền đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với nhiều đối tượng, như các video, infographic, podcast và các bài viết chuyên sâu trên mạng xã hội…
Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL tại Hà Nội là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử và phục vụ người dân trong thời đại số. Mặc dù đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức cần được giải quyết. Để quá trình này đạt hiệu quả cao, cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn về hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực và đặc biệt là sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.
 
Lưu Thị Mai Anh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: