Thông tư này quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp, lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và thành lập Hội đồng giám định; áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động giám định và chi phí thực hiện giám định trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Để được bổ nhiệm là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải thì phải đáp ứng các điều kiện là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên ngành đào tạo từ bậc đại học trở lên liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, đã qua thực tế làm công tác chuyên môn về chuyên ngành được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên. Riêng đối với người giám định tư pháp theo vụ việc nếu không có trình độ đại học nhưng có kiến thức chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực cần giám định thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Cũng theo Thông tư này, người được phân công thực hiện giám định tư pháp phải có trách nhiệm tiếp nhận nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, tổ chức thực hiện giám định, kết luận về các nội dung giám định và trả lời cơ quan trưng cầu, yêu cầu giám định. Nếu từ chối giám định trong trường hợp nội dung cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn; đối tượng giám định, các tài liệu liên quan được cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định; thời gian không đủ để thực hiện giám định hoặc có lý do chính đáng khác thì việc từ chối phải được thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Việc thành lập Hội đồng giám định trong lĩnh vực giao thông vận tải được thực hiện trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định. Hội đồng giám định trong lĩnh vực giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quyết định thành lập.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/9/2014.