Thông tư số 27 /2014/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp kèm theo Thông tư số 27 /2014/TT-BGDĐT.  ">
Liên kết website

Thông tư số 27/2014/TT-BGDĐT ngày 11 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp

17/09/2014

Ngày 11 tháng 8 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 27 /2014/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp kèm theo Thông tư số 27 /2014/TT-BGDĐT. 

 

Theo đó, việc Tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) gồm hai hình thức: Xét tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và yêu cầu cụ thể của ngành đào tạo, trên cơ sở ý kiến của hội đồng tuyển sinh, Hiệu trưởng các trường có thể quyết định việc sơ tuyển trước khi tiến hành các nội dung liên quan đến xét tuyển hoặc thi tuyển.

Thí sinh có đủ các điều kiện sau đây được dự tuyển vào TCCN: Đã tốt nghiệp từ trung học cơ sở, trung học phổ thông (hoặc tương đương) trở lên tùy theo chương trình đào tạo của trường; đạt được các yêu cầu sơ tuyển (nếu dự tuyển vào các trường có quy định sơ tuyển); nộp đầy đủ, đúng thời hạn hồ sơ và lệ phí tuyển sinh theo quy định; điều kiện khác (nếu có) do Hiệu trưởng các trường quy định. Đối với người dự tuyển là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội còn phải được thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đồng ý; Quân nhân và công an nhân dân tại ngũ được dự tuyển vào những trường do Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quy định sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng ý.

Người không được tham gia dự tuyển: Không bảo đảm các điều kiện quy định nêu trên, không chấp hành Luật nghĩa vụ quân sự, đang trong thời gian thi hành án hình sự, bị tước quyền dự tuyển hoặc bị kỷ luật buộc thôi học chưa đủ 12 tháng tính từ ngày ký quyết định kỷ luật đến ngày dự tuyển.

Quy chế cũng quy định các trường TCCN có thể tổ chức một hoặc nhiều đợt tuyển sinh bắt đầu từ ngày 01 tháng 02 và kết thúc công tác tuyển sinh chậm nhất trước ngày 20 tháng 12 hàng năm. Thời gian tuyển sinh, số đợt tuyển sinh trong năm do Hiệu trưởng các trường quyết định. Việc tổ chức tuyển sinh được thực hiện trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh đã được xác định theo quy định. Chỉ tiêu tuyển sinh của năm nào chỉ được áp dụng trong năm đó.

Trước mỗi đợt tuyển sinh ít nhất 30 ngày, các trường công bố công khai những thông tin về tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và phương tiện thông tin đại chúng khác. Nội dung công bố công khai gồm các thông tin về: Đối tượng tuyển sinh, hình thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện dự tuyển, tiêu chí xét tuyển, nội dung thi tuyển năng khiếu (nếu có), hồ sơ dự tuyển, thời gian tuyển sinh, vùng tuyển sinh (nếu có), ngành đào tạo, hình thức đào tạo, thời gian đào tạo, địa điểm đào tạo, học phí...

Ngoài ra, Quy chế còn quy định chính sách ưu tiên trong tuyển sinh (các trường hợp được tuyển thẳng, các đối tượng được ưu tiên, khu vực được ưu tiên); thủ tục và hồ sơ đăng ký dự tuyển; tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng tuyển sinh… Thông tư cũng quy định cụ thể việc xét tuyển, phúc tra, điều kiện trúng tuyển và triệu tập thí sinh; quy định về tuyển sinh ngành năng khiếu; các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ tham gia công tác tuyển sinh, thí sinh dự tuyển vi phạm quy chế.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 9 năm 2014. Thông tư này thay thế Quyết định số 06/2006/QĐ-BGDĐT ngày 17/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp và Quyết định số 08/2007/QĐ-BGDĐT ngày 06/4/2007 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BGDĐT ngày 17/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các tin đã đưa ngày: