Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/09/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.">
Liên kết website

Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/9/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

16/10/2014

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước và người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước có hành vi vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để xảy ra lãng phí, thiệt hại sẽ phải bồi thường là nội dung nêu tại Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/09/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 

Số tiền bồi thường thiệt hại được thực hiện bằng đồng tiền Việt Nam; xác định căn cứ vào Bản tường trình trách nhiệm của người có hành vi gây lãng phí; kiến nghị của Hội đồng xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại và được nộp 01 lần trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định về bồi thường thiệt hại hoặc trả dần trong 12 tháng kể từ ngày có quyết định về bồi thường thiệt hại (nếu số tiền nộp lần một chưa đủ). Trường hợp không đủ khả năng bồi thường, người có nghĩa vụ bồi thường phải trừ 20% tiền lương hàng tháng cho đến khi bồi thường đủ theo quyết định của người có thẩm quyền. Người chưa hoàn thành bồi thường mà chuyển công tác, thôi việc hoặc nghỉ hưu thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi ra quyết định bồi thường thiệt hại có trách nhiệm yêu cầu người đó phải bồi thường phần còn thiếu trước khi chuyển công tác, thôi việc hoặc nghỉ hưu. Trường hợp người có nghĩa vụ bồi thường chưa có điều kiện trả ngay phần còn thiếu hoặc cố tình trì hoãn, trốn tránh việc thực hiện bồi thường thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi ra quyết định bồi thường thiệt hại có thể phối hợp với cơ quan, tổ chức nơi tiếp nhận công tác hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú để yêu cầu người đó tiếp tục thực hiện bồi thường.

Tạm hoãn thực hiện bồi thường được thực hiện trong các trường hợp như sau: Đối với người có hành vi gây lãng phí đang điều trị tại các bệnh viện; trong thời kỳ nghỉ thai sản; thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế, được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận hoặc đang bị tạm giam, tạm giữ chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận về hành vi vi phạm pháp luật khác, Chính phủ cho phép được tạm hoãn thực hiện bồi thường. Thời gian tạm hoãn tối đa 06 tháng đối với người đang điều trị tại bệnh viện; đang trong thời kỳ nghỉ thai sản; gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo hoặc tối đa bằng thời gian tạm giam, tạm giữ đối với trường hợp đang bị tạm giam, tạm giữ chờ kết luận điều tra, xác minh về hành vi vi phạm khác...

Về hình thức công khai: Tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức và hành vi lãng phí, biện pháp đã xử lý đối với người có hành vi lãng phí sẽ được công khai tại cuộc họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức; đưa lên Trang thông tin điện tử, Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức hoặc thông báo trên các ấn phẩm báo chí của cơ quan, tổ chức hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014.

Các tin đã đưa ngày: