Thông tư này không điều chỉnh các hoạt động hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực dạy nghề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Về kiểm định chất lượng giáo dục: Cơ sở giáo dục Việt Nam, cơ sở giáo dục nước ngoài thực hiện liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục Việt Nam và cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ quy định hiện hành về tiêu chuẩn, quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành; hoặc tuân thủ quy định của tổ chức kiểm định chất lượng của quốc tế được Việt Nam công nhận.
Về chương trình giáo dục bắt buộc đối với học sinh là công dân Việt Nam tại cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài: Học sinh là công dân Việt Nam học tập tại trường tiểu học hoặc cấp tiểu học của trường phổ thông có nhiều cấp học có vốn đầu tư nước ngoài phải học chương trình tiếng Việt với thời lượng không ít hơn 140 phút/tuần, học từ lớp 1 đến hết lớp 5 và chương trình Việt Nam học với thời lượng không ít hơn 70 phút/tuần, học từ lớp 4 đến hết lớp 5.
Học sinh là công dân Việt Nam học tập tại trường THCS, trường THPT hoặc cấp THCS, cấp THPT của trường phổ thông có nhiều cấp học có vốn đầu tư nước ngoài phải học chương trình Việt Nam học với thời lượng không ít hơn 90 phút/tuần.
Việc tổ chức dạy học chương trình giáo dục bắt buộc đối với học sinh là công dân Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện: Giáo viên là người Việt Nam, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật Việt Nam; có tài liệu dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn hoặc do các cơ sở giáo dục tự biên soạn trên cơ sở các chương trình tiếng Việt và chương trình Việt Nam học và được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; Ngôn ngữ dạy học là tiếng Việt.
Học sinh là công dân Việt Nam học tập tại các cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài, giảng dạy theo chương trình giáo dục của nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt thì được chuyển tiếp sang học tập tại cơ sở giáo dục phổ thông giảng dạy theo chương trình giáo dục của Việt Nam khi có nhu cầu. Học sinh là công dân Việt Nam học tập tại cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, có bằng tốt nghiệp THPT của nước ngoài đã đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo được quyền tham dự tuyển sinh vào các trường trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam theo quy định hiện hành.
Thông tư cũng quy định, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài và phân hiệu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy phép hoạt động giáo dục trước ngày Nghị định số 73/2012/NĐ-CP có hiệu lực thì không phải xét duyệt lại theo các điều kiện quy định tại Điều 36 hoặc Điều 41 của Nghị định số 73/2012/NĐ-CP, nhưng phải bổ sung: Văn bản đề nghị cho phép thành lập cơ sở giáo dục; Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có chứng thực) kèm hồ sơ đề án đã được phê duyệt; Giấy phép hoạt động giáo dục đang còn hiệu lực; Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư theo nội dung đăng ký đầu tư tại Giấy chứng nhận đầu tư; Báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động giáo dục trong thời gian 03 năm gần nhất để thực hiện thủ tục cho phép thành lập.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014. Bãi bỏ các quy định trái với quy định của Thông tư này.