Liên kết website

Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học

01/06/2015

Ngày 16/4/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

 

Quy định này áp dụng đối với đại học quốc gia, đại học vùng (bao gồm cả các cơ sở giáo dục đại học thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng), học viện, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ đại học: 120 tín chỉ (đối với những ngành có thời gian đào tạo 05 năm hoặc 06 năm thì khối lượng kiến thức tích luỹ tối thiểu tương ứng là 150 hoặc 180 tín chỉ); trình độ thạc sĩ: 60 tín chỉ (đối với những ngành/ chuyên ngành ở trình độ đại học tương ứng có khối lượng kiến thức tối thiểu tích lũy từ 150 tín chỉ trở lên thì khối lượng kiến thức tối thiểu trình độ thạc sĩ là 30 tín chỉ); trình độ tiến sĩ: 90 tín chỉ đối với người tốt nghiệp thạc sĩ, 120 tín chỉ đối với người tốt nghiệp đại học.

Thông tư quy định về năng lực tối thiểu mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ của giáo dục đại học.  Đối với trình độ đại học, ngoài kiến thức lý thuyết, kiến thức thực tiễn để giải quyết công việc phức tạp, cần phải có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực được đào tạo; có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề quy mô địa phương và vùng miền. Ngoại ngữ ở mức có thể hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề quen thuộc trong công việc liên quan đến ngành được đào tạo; có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống chuyên môn thông thường; …

Đối với trình độ thạc sĩ: Làm chủ kiến thức chuyên ngành, có thể đảm nhiệm công việc của chuyên gia trong lĩnh vực được đào tạo; có tư duy phản biện; có kiến thức lý thuyết chuyên sâu; có kiến thức tổng hợp về pháp luật, quản lý và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo. Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp, không có tính quy luật, khó dự báo; có kỹ năng nghiên cứu độc lập để phát triển và thử nghiệm những giải pháp mới, phát triển các công nghệ mới trong lĩnh vực được đào tạo. Ngoại ngữ ở mức có thể hiểu được một báo cáo hay bài phát biểu, có thể diễn đạt bằng ngoại ngữ trong hầu hết các tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết báo cáo, trình bày rõ ràng các ý kiến và phản biện một vấn đề kỹ thuật bằng ngoại ngữ. Có khả năng tự định hướng phát triển năng lực cá nhân; đưa ra được những kết luận mang tính chuyên gia về các vấn đề phức tạp của chuyên môn, nghiệp vụ; có năng lực phát huy trí tuệ tập thể trong quản lý và hoạt động chuyên môn; có khả năng nhận định đánh giá và quyết định phương hướng phát triển nhiệm vụ công việc được giao; có khả năng dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề lớn…Trình độ tiến sĩ: Có hệ thống kiến thức chuyên sâu, tiên tiến và toàn diện thuộc lĩnh vực khoa học chuyên ngành; có tư duy nghiên cứu độc lập, sáng tạo; làm chủ được các giá trị cốt lõi, quan trọng trong học thuật; phát triển các nguyên lý, học thuyết của chuyên ngành nghiên cứu; có kiến thức tổng hợp về pháp luật, tổ chức quản lý và bảo vệ môi trường. Có kỹ năng phát hiện, phân tích các vấn đề phức tạp và đưa ra được các giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề; có khả năng thiết lập mạng lưới hợp tác quốc gia và quốc tế trong hoạt động chuyên môn; có năng lực tổng hợp trí tuệ tập thể, dẫn dắt chuyên môn để xử lý các vấn đề quy mô khu vực và quốc tế. Ngoại ngữ có thể hiểu được các báo cáo phức tạp về các chủ đề cụ thể và trừu tượng, có thể giao tiếp, trao đổi học thuật bằng ngoại ngữ ở mức độ trôi chảy, thành thạo với người bản ngữ…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/6/2015. Bãi bỏ Quyết định số 2677/GD-ĐT ngày 03/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về cấu trúc và khối lượng kiến thức tối thiểu cho các cấp đào tạo trong bậc đại học và các quy định được ban hành tại các văn bản khác liên quan đến các quy định tại Thông tư này.

Các tin đã đưa ngày: