Nghị định này quy định các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Nghị định xác định 7 loại hành vi vi phạm là: Hành vi vi phạm quy định về thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp; hành vi vi phạm về tuyển sinh; hành vi vi phạm quy định về Chương trình đào tạo, quy mô lớp học, liên thông, liên kết đào tạo; hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, thi và đánh giá kết quả đào tạo; hành vi vi phạm quy định về quản lý, cấp và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; hành vi vi phạm quy định về nhà giáo, người làm công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp và người học; hành vi vi phạm quy định về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, tài chính, điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nhgiệp và các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Theo Nghị định, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp lên tới 150 triệu đồng với tổ chức và 75 triệu đồng với cá nhân, trong đó, mức phạt tiền đối với hành vi không dạy đủ số giờ học theo quy định của chương trình đào tạo của 01 môn học hoặc mô-đun dao động từ 300.000 đồng đến 10 triệu đồng tùy từng mức độ (mức phạt thấp nhất từ 300.000 đồng - 500.000 đồng được áp dụng với hành vi vi phạm dưới 5% số giờ học, đối với các hành vi vi phạm từ 10% đến dưới 15% số giờ học, từ 15% đến dưới 20% số giờ học và từ 20% số giờ học trở lên, mức phạt tiền lần lượt là 01 - 03 triệu đồng, 03 - 05 triệu đồng và 05 - 10 triệu đồng); mức phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng được áp dụng với hành vi sử dụng giáo trình, tài liệu không đúng quy định. Hành vi sử dụng giáo viên, giảng viên dạy thêm giờ vượt quá ½ số giờ tiêu chuẩn của năm học hoặc quá 1/3 số giờ tiêu chuẩn của năm học đối với người làm công tác quản lý của cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia giảng dạy, mức phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng. Hành vi buộc thôi học không đúng quy định dưới 3 người học dao động từ 01 - 03 triệu đồng; 03 - 05 triệu đồng đối với hành vi buộc thôi học không đúng quy định từ 03 đến dưới 05 người học và từ 05 - 10 triệu đồng trường hợp từ 05 người học trở lên…
Những người sau đây có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Thanh tra viên và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp đang thi hành công vụ; Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, củaBộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Dạy nghề; Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2015.