Theo Thông tư, Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực hoạt động xã hội; được thành lập và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng để giao dịch.
Nguồn thu của Quỹ bao gồm các khoản thu từ đóng góp tự nguyện, tài trợ hợp pháp bằng tiền, hiện vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản và các loại tài sản khác của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước dưới hình thức ủng hộ, hợp đồng tặng, cho tài sản, hiến tặng, di chúc của người để lại tài sản hoặc các hình thức khác vào Quỹ phù hợp với quy định của pháp luật…
Trong quá trình hoạt động, Quỹ phải công khai tình hình huy động, quản lý, sử dụng Quỹ và báo cáo tình hình thực hiện công khai tài chính. Việc huy động, quản lý và sử dụng Quỹ phải đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả theo đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành.
Thông tư còn quy định, nội dung chi của Quỹ bao gồm: chi tuyên truyền, giáo dục phòng, tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân; chi hỗ trợ các hoạt động rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam; chi hỗ trợ học tập (với trẻ em), hỗ trợ chi phí học nghề sơ cấp, hỗ trợ tạo việc làm cho nạn nhân bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam; chi hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện trợ giúp cho nạn nhân bị tai nạn bom mìn; chi hỗ trợ cho dân cư thuộc vùng ô nhiễm bom mìn; chi có mục đích theo hợp đồng hỗ trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động của Quỹ; chi phí thuê mướn và các khoản chi đặc thù, chi khác có liên quan. Đối với các khoản tài trợ đã được thoả thuận hoặc có văn bản ký kết giữa Quỹ với nhà tài trợ về nội dung và mức chi thì thực hiện theo thoả thuận hoặc văn bản đã ký kết.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2015.