Nghị định quy định khung học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 - 2016 như sau:
Khu vực thành thị mức học phí từ 60 nghìn đến 300 nghìn đồng/tháng/học sinh; khu vực nông thôn từ 30 đến 120 nghìn đồng/tháng/học sinh; khu vực miền núi từ 8 nghìn đến 60 nghìn đồng/tháng/học sinh. Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo. Các cơ sở giáo dục thường xuyên được áp dụng mức học phí tương đương với mức học phí của các trường phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn.
Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 (kể cả các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) như sau: khối khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản, từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018 mức học phí là 1.750.000 đồng/tháng/sinh viên; từ năm 2018-2019 đến năm học 2019-2020 mức học phí là 1.850.000 đồng/tháng/sinh viên; từ năm học 2020-2021 mức học phí là 2.050.000 đồng/tháng/sinh viên. Khối Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018 mức học phí là 2.050.000 đồng/tháng/sinh viên; từ năm 2018-2019 đến năm học 2019-2020 mức học phí là 2.200.000 đồng/tháng/sinh viên; từ năm học 2020-2021 mức học phí là 2.400.000 đồng/tháng/sinh viên. Khối y dược từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018 mức học phí là 4.400.000 đồng/tháng/sinh viên; từ năm 2018-2019 đến năm học 2019-2020 mức học phí là 4.600.000 đồng/tháng/sinh viên; từ năm học 2020-2021 mức học phí là 5.050.000 đồng/tháng/sinh viên.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo; đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; đào tạo cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Nghị định quy định: Đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: Học sinh tiểu học; Học sinh, sinh viên sư phạm; Người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Các đối tượng được miễn học phí như: Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học; Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; Học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các chuyên ngành: Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh…..
Đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập bao gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2015.