Liên kết website

Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2013

16/11/2015

Ngày 07/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 

Theo quy định của Nghị định, sẽ phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi thu tiền của người lao động tham gia tuyển lao động; không thông báo công khai về nhu cầu tuyển lao động hoặc thông báo ít hơn 05 ngày làm việc trước khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động hoặc thông báo không đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định; không thông báo công khai kết quả tuyển lao động hoặc thông báo sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả tuyển lao động… Trong trường hợp người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật trong tuyển dụng, sử dụng quản lý lao động cũng sẽ bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng.

Nghị định quy định mức phạt từ 01 - 02 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không trả chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ của người lao động; không trả chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 15 ngày, từ ngày nhận được quyết định chi trả của cơ quan bảo hiểm xã hội; trong khi trước đây, mức phạt này được quy định là từ 200.000 đồng - 500.000 đồng. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện theo quy định. Không công bố công khai tại nơi làm việc thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng sẽ bị phạt từ 02 triệu đồng đến 05 triệu đồng

Đối với hành vi trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định…, Nghị định cũng nêu rõ, doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng với vi phạm từ 01 - 10 người lao động; từ 10 - 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 - 50 người lao động; từ 20 - 30 triệu đồng với vi phạm từ 51 - 100 người lao động; từ 30 - 40 triệu đồng với vi phạm từ 101 - 300 người lao động và từ 40 - 50 triệu đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên. Đồng thời, người sử dụng lao động buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Nghị định quy định mức phạt tiền từ 50 triệu đến 75 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã thực hiện kiểm định nhưng kết quả kiểm định không đạt yêu cầu. Phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không tổ chức hoặc không liên kết với cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo để bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo yêu cầu của hợp đồng cung ứng lao động

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2015, bãi bỏ điểm b Khoản 2 Điều 11, Điều 25 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.

 

Các tin đã đưa ngày: