Liên kết website

Thông tư số 20/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

15/03/2016

Thông tư áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, bảo hiểm xã hội Bộ Công an; Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức bảo hiểm thất nghiệp trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức bảo hiểm thất nghiệp); Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Lập dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được lập chi tiết theo nhóm đối tượng tham gia, nhóm đối tượng thụ hưởng; số thu, chi các chế độ tương ứng của từng nhóm đối tượng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Các đơn vị trực thuộc bảo hiểm xã hội Việt Nam lập dự toán thu, chi theo quy định trên, gửi bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đối với bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, bảo hiểm xã hội Bộ Công an lập dự toán thu, chi thuộc phạm vi thực hiện trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo quy định trên, gửi bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thông tư quy định, trường hợp trốn đóng; đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, đóng thấp hơn mức đóng của người thuộc diện bắt buộc tham gia; chiếm dụng tiền đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan có thẩm quyền phát hiện từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, cơ quan bảo hiểm sẽ tiến hành truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi chậm đóng. Trong đó, toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016 được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016; đối với thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm.
Bên cạnh đó Thông tư cũng quy định, đối với các khoản chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị sử dụng lao động đến cuối năm 2014 (nếu có), cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu doanh nghiệp nộp đủ theo quy định; ngân sách Nhà nước không hỗ trợ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp này. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội cấp tỉnh chưa thực hiện xong việc đổi mới phương thức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp hàng tháng qua tổ chức dịch vụ công ích của Nhà nước thì tiếp tục thực hiện theo phương thức chi trả hiện hành. Chậm nhất đến cuối năm 2016, phải thực hiện xong việc chuyển sang phương thức chi trả thông qua dịch vụ công ích. Theo đó, trường hợp chậm đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, tiền lãi chậm đóng được xác định hằng tháng theo công thức sau:
Số tiền lãi phải thu phát sinh trong tháng (n) = Số tiền chậm đóng lũy kế đến cuối tháng (n-2) x Lãi suất chậm đóng (%/tháng).
Trong đó:
- (n) là tháng xác định tiền lãi chậm đóng.
- (n-2) là tháng liền trước 02 tháng của tháng (n).
- Lãi suất chậm đóng (%/tháng) là mức lãi suất bình quân tính theo tháng do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông báo đầu năm theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 6 Quyết định 60/2015/QĐ-TTg.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/3/2016; áp dụng từ năm ngân sách 2016.
Các tin đã đưa ngày: