Liên kết website

Thông tư số 02/2016/TT-TANDTC ngày 03/02/2016 của Chánh án Toàn án nhân dân Tối cao ban hành Quy chế thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp

15/03/2016

Ngày 03/02/2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 02/2016/TT-TANDTC ban hành Quy chế thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp; trong đó, quy định về nguyên tắc thi tuyển chọn, thi nâng ngạch Thẩm phán.

Theo đó, việc thi tuyển chọn, thi nâng ngạch Thẩm phán được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh, bảo đảm quy trình chặt chẽ, minh bạch, công khai, công bằng và dân chủ nhằm lựa chọn những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp; Việc tổ chức thi chung hoặc thi riêng do Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp quyết định; Thi tuyển chọn, thi nâng ngạch Thẩm phán được tổ chức ít nhất mỗi năm 02 kỳ, trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định bổ sung kỳ thi; Thời gian, địa điểm thi, nội dung các môn thi, hình thức thi do Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp quyết định; Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp ủy quyền cho Học viện Tòa án tổ chức kỳ thi. Học viện Tòa án thành lập Hội đồng thi và các ban giúp việc để tổ chức thi theo sự ủy quyền.
Để giám sát quá trình chuẩn bị và tổ chức kỳ thi tuyển chọn, thi nâng ngạch Thẩm phán, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp quyết định thành lập Ban Thanh tra. Ban Thanh tra có quyền hạn: Kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện của các thành viên Hội đồng thi; tiêu chuẩn, điều kiện của các thành viên các ban giúp việc Hội đồng thi; Kiểm tra, giám sát quá trình ra đề thi, tổ chức coi thi, rọc phách, chấm thi, ghép phách, phúc khảo bài thi; Báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về kết quả công tác thanh tra giám sát kỳ thi. Đồng thời trong công tác thi tuyển chọn thẩm phán, Thông tư cũng nghiêm cấm các hành vi dùng ảnh hưởng cá nhân để tác động, can thiệp hoặc cố ý báo cáo sai hoặc không trung thực về các thông tin làm sai lệch kết quả thi tuyển; Vi phạm quy chế thi tuyển hoặc tiết lộ các tài liệu có liên quan khác đã được đóng dấu bảo mật, dấu niêm phong; Bố trí để người thân thích tham gia dự thi mà mình làm thành viên Ban giúp việc ra đề thi, coi thi, chấm thi hoặc là người phê duyệt kết quả thi tuyển.
Người đăng ký dự thi phải có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; có thời gian công tác ít nhất từ đủ 01 nhiệm kỳ (05 năm) kể từ ngày được bổ nhiệm. Trong thời hạn 15 ngày từ ngày có thông báo điểm thi, người dự thi được gửi đơn đề nghị phúc khảo kết quả bài thi đến Hội đồng thi; kết quả chấm phúc khảo sẽ được tổng hợp và thông báo trong vòng 30 ngày từ ngày nhận đơn. Đặc biệt, chỉ xem xét giải quyết đơn đề nghị phúc khảo được gửi đến trực tiếp hoặc qua đường bưu điện; không thực hiện chấm phúc khảo đối với hình thức thi vấn đáp, bảo vệ chuyên đề. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/3/2016.
Các tin đã đưa ngày: