Liên kết website

Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

15/03/2016

Ngày 03/02/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động về cấp giấy phép lao động cho lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; việc trục xuất lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động.

Theo Nghị định này, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm không thuộc diện cấp Giấy phép lao động. Ngoài chuyên gia, nhà quản lý nước ngoài… nêu trên, các trường hợp không thuộc diện cấp Giấy phép lao động còn bao gồm: Người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (gồm: Kinh doanh; Thông tin; Xây dựng; Phân phối; Giáo dục; Môi trường; Tài chính; Y tế; Du lịch; Văn hóa giải trí và Vận tải); Học sinh, sinh viên nước ngoài đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; Người nước ngoài có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội…Người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp Giấy phép lao động phải được Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi người nước ngoài dự kiến làm việc xác nhận trước ít nhất 07 ngày làm việc. Với các trường hợp còn lại, nếu không có Giấy phép lao động sẽ bị trục xuất ra khỏi Việt Nam trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện.
Nghị định quy định, người sử dụng người lao động nước ngoài, bao gồm: Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hoặc theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Nhà thầu nước ngoài hoặc trong nước tham dự thầu; Văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập; Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Văn phòng của dự án nước ngoài hoặc của tổ chức quốc tế tại Việt Nam…
Theo nội dung Nghị định này, chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có bằng đại học hoặc tương đương trở lên, có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành được đào tạo; lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo. Trước khi tuyển dụng lao động nước ngoài, nhà thầu phải kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động với Chủ tịch UBND tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2016.
Các tin đã đưa ngày: