Liên kết website

Luật số 67/2011/QH12 của Quốc hội về kiểm toán độc lập

08/06/2011

Ngày 29/3/2011, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII đã chính thức thông qua Luật Kiểm toán độc lập. Luật này quy định nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hoạt động kiểm toán độc lập; quyền, nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và đơn vị được kiểm toán.

Liên quan đến tiêu chuẩn kiểm toán viên và điều kiện đăng ký hành nghề, Luật đã quy định rõ 02 chức danh: “kiểm toán viên” và “kiểm toán viên hành nghề”. Trong đó, kiểm toán viên là những người tốt nghiệp đại học các chuyên ngành về ngân hàng, tài chính, kế toán, kiểm toán; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có đạo đức tốt, ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan và có Chứng chỉ kiểm toán viên.

Chỉ sau khi đã được hành nghề kiểm toán tại các doanh nghiệp kiểm toán đủ 36 tháng trở lên và tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức thì kiểm toán viên mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán và trở thành kiểm toán viên hành nghề, lúc này mới được ký báo cáo kiểm toán.

Luật cũng quy định về 13 hành vi mà các thành viên tham gia cuộc kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam bị cấm thực hiện. Ngoài 13 hành vi này, Luật còn quy định nghiêm cấm kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề thực hiện hành nghề kiểm toán với tư cách cá nhân; giả mạo, cho thuê, cho mượn hoặc sử dụng tên và Chứng chỉ kiểm toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán để thực hiện hoạt động kiểm toán; làm việc cho 02 tổ chức kiểm toán trong cùng một thời gian.

Luật quy định cụ thể điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam. Một trong những điều kiện chung để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán đối với công ty và doanh nghiệp tư nhân là phải có ít nhất 05 kiểm toán viên hành nghề thay vì 03 kiểm toán viên hành nghề như quy định trước đây.

Doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng; Tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm. Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước, trừ các dự án trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo quyết toán dự án hoàn thành. Doanh nghiệp, tổ chức có vốn góp của Nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước khác do Chính phủ quy định phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm hoặc báo cáo quyết toán dự án hoàn thành. Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm.

Luật cũng quy định các hành vi vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập. Khi có tranh chấp về kiểm toán độc lập thì các bên có trách nhiệm tự hòa giải về nội dung tranh chấp; trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về kiểm toán độc lập là ba năm, kể từ ngày ký báo cáo kiểm toán.

Trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán trước ngày Luật này có hiệu lực bảo đảm các điều kiện theo quy định của Luật này được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, người đã được cấp chứng chỉ kiểm toán viên trước ngày Luật này có hiệu lực được đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của Luật này mà không cần bảo đảm điều kiện về thời gian thực tế làm kiểm toán.

Doanh nghiệp kiểm toán trách nhiệm hữu hạn một thành viên có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực được phép hoạt động theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đến hết thời hạn của Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 ngày 2012.

Các tin đã đưa ngày: