Liên kết website

Luật bảo hiểm tiền gửi

06/08/2012

Ngày 02/7/2012 Chủ tịch nước ban hành Lệnh số 04/2012/L-CTN về việc công bố Luật bảo hiểm tiền gửi.

Theo đó, Luật bảo hiểm tiền đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012.

Bảo hiểm tiền gửi nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Bảo hiểm tiền gửi là loại hình bải hiểm bắt buộc, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách.

Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi.

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính do Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ.

Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Tiền gửi không được bảo hiểm là tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.

Phí bảo hiểm tiền gửi do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi định kỳ hàng quý chậm nhất vào ngày 20 tháng đầu tiên của quý kế tiếp. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm thời hạn nộp phí bảo hiểm thì phải nộp đủ số phí và phải chịu phạt mỗi ngày nộp chậm bằng 0,05% số tiền nộp chậm. Phí bảo hiểm tiền gửi được hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi (bao gồm tiền gốc và tiền lãi) được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Luật bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục có giá trị sử dụng.

Các tin đã đưa ngày: