Liên kết website

Luật phòng, chống rửa tiền

06/08/2012

          Ngày 02 tháng 7 năm 2012 Chủ tịch nước ban hành Lệnh số 05/2012/L-CTN về việc công bố Luật phòng, chống rửa tiền.

Luật phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012.

Luật phòng, chống rửa tiền có 05 chương với 50 điều quy định về các biện pháp phòng, ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

          Theo Luật phòng, chống rửa tiền, “Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có”.

          Tổ chức tài chính (đối tượng báo cáo) phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong trường hợp khách hàng mở tài khoản hoặc thiết lập giao dịch với tổ chức tài chính; khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn hoặc thực hiện giao dịch điện tử mà thiếu thông tin về tên, địa chỉ, số tài khoản của người khởi tạo; có nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; có nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.

          Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính, như kinh doanh trò chơi có thưởng casino, kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, kinh doanh kim loại quý, đá quý… (đối tượng báo cáo) phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đối với khách hàng có giao dịch lớn.

          Để xác minh thông tin nhận biết khách hàng, tổ chức, cá nhân căn cứ vào chứng minh nhân dân, hộ chiếu còn thời hạn sử dụng và các giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với khách hàng là cá nhân. Đối với khách hàng là tổ chức thì căn cứ vào Giấy phép hoặc quyết định thành lập; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng thuê Giám đốc, Kế toán trưởng. Việc nhận biết khách hàng cũng có thể thông qua tổ chức, cá nhân khác đã hoặc đang có quan hệ với khách hàng hoặc thông qua cơ quan quản lý, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác để thu thập thông tin, đối chiếu thông tin. Ngoài ra, đối tượng báo cáo cũng có thể thuê các tổ chức khác để xác minh thông tin nhận biết khách hàng.

          Khi thực hiện các giao dịch lớn, hoặc giao dịch đáng ngờ hoặc nghi ngờ tài sản giao dịch có nguồn gốc phạm tội thì đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

          Đối tượng báo cáo phải áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch khi các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện liên quan đến hoạt động phạm tội và phải báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối tượng báo cáo phải thực hiện phong tỏa tài khoản hoặc áp dụng biện pháp niêm phong hoặc tạm giữ tài sản của các cá nhân, tổ chức khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và báo cáo việc thực hiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

          Luật phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Các tin đã đưa ngày: