Thông tư số 12/2013/TT – BYT hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.">
Liên kết website

Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế

05/06/2013

Ngày 12 tháng 4 năm 2013, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 12/2013/TT – BYT hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

 

Thông tư này hướng dẫn về điều kiện hoạt động của cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (sau đây gọi tắt là cơ sở điều trị); hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở điều trị; thủ tục đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở điều trị; hướng dẫn việc đăng ký tham gia điều trị và chuyển tiếp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Theo Thông tư, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế chỉ được thực hiện tại cơ sở điều trị có đủ điều kiện theo quy định; tuân thủ hướng dẫn chuyên môn về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo đó,về nhân sự của cơ sở điều trị thay thế phải bảo đảm như sau: Phòng khám bệnh có ít nhất 03 nhân viên có trình độ trung cấp chuyên ngành y trở lên, trong đó có ít nhất 01 bác sỹ phụ trách chuyên môn kỹ thuật có thời gian làm công tác khám bệnh, chữa bệnh từ 18 tháng trở lên; Phòng cấp phát và bảo quản thuốc có ít nhất 02 nhân viên có trình độ trung cấp chuyên ngành dược hoặc trung cấp chuyên ngành y trở lên, trong đó nhân viên làm nhiệm vụ bảo quản thuốc phải có trình độ từ trung cấp chuyên ngành dược trở lên; Phòng tư vấn có ít nhất 01 nhân viên có trình độ trung cấp chuyên ngành dược hoặc trung cấp chuyên ngành y hoặc trung cấp chuyên ngành xã hội trở lên; Phòng xét nghiệm có ít nhất 01 nhân viên có trình độ trung cấp thuộc một trong các chuyên ngành y, dược, sinh học hoặc hóa học trở lên; Phòng hành chính có ít nhất 01 nhân viên có trình độ trung cấp trở lên.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh có thẩm quyền quyết định việc cấp, cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở điều trị. Trường hợp không cấp giấy phép hoạt động phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cơ sở điều trị bị đình chỉ hoạt động trong các trường hợp: Không tuân thủ quy trình điều trị hoặc có sai sót chuyên môn theo hướng dẫn chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự không bảo đảm các điều kiện theo quy định; không thực hiện việc báo cáo về tình hình điều trị và tuân thủ điều trị của người bệnh cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Cơ sở điều trị bị thu hồi giấy phép hoạt đng trong các trường hợp: Giấy phép hoạt động được cấp không đúng thẩm quyền; sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động mà cơ sở điều trị không hoạt động; cơ sở điều trị tạm dừng hoạt động trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc đã chấm dứt hoạt động; thay đổi về địa điểm của cơ sở điều trị; trường hợp hết thời hạn đình chỉ mà cơ sở điều trị bị đình chỉ không thực hiện việc khắc phục các vi phạm hoặc đã thực hiện việc khắc phục các vi phạm nhưng vẫn không đáp ứng các quy định của Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2013.

Các cơ sở điều trị xây dựng mới hoặc cải tạo sau ngày Thông tư này có hiệu lực phải đáp ứng đúng các điều kiện quy theo quy định tại Thông tư này. Các cơ sở điều trị đã hoạt động trước ngày 01 tháng 01 năm 2013 được tiếp tục hoạt động nhưng chậm nhất đến ngày 30 tháng 7 năm 2014 phải gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này để thực hiện thủ tục cấp giấy phép hoạt động.

Các tin đã đưa ngày: