Thông tư số 13/2013/TT-BYT hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm.">
Liên kết website

Thông tư số 13/2013/TT-BYT ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Bộ Y tế hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm

06/06/2013

Ngày 17 tháng 4 năm 2013, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 13/2013/TT-BYT hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm.

 

Thông tư này hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm bao gồm: Đối tượng, hình thức, địa điểm và nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm; quy trình giám sát bệnh truyền nhiễm; quy trình điều tra bệnh dịch/ổ dịch và hoạt động phòng, chống dịch; trách nhiệm trong tổ chức giám sát bệnh truyền nhiễm.

Đối tượng giám sát là người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm; tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố nguy cơ.

Bệnh truyền nhiễm cần giám sát bao gồm các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong như: Bệnh bạch hầu; bệnh ho gà; bệnh sởi; bệnh than; bệnh do não mô cầu; bệnh tay chân miệng.

Giám sát bệnh truyền nhiễm được thực hiện trên toàn bộ phạm vi quản lý được phân công, đặc biệt ở các địa điểm như: Khu vực đang có ổ dịch, khu vực có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm; nơi cư trú, học tập, lao động của người được chẩn đoán xác định là mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang mầm bệnh truyền nhiễm; khu vực cửa khẩu; khu vực đã hoặc đang xảy ra thiên tai, thảm họa.

Nội dung giám sát bao gồm giám sát nguồn bệnh truyền nhiễm (Người mắc bệnh hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; người mang mầm bệnh truyền nhiễm; động vật mắc bệnh hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm); giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm (vi khuẩn; vi rút; ký sinh trùng...); giám sát ổ chứa, trung gian truyền bệnh và các yếu tố nguy cơ (côn trùng, động vật, thực vật; thực phẩm; môi trường: đất, nước, không khí; địa lý, khí hậu, thời tiết; hành vi, lối sống, phong tục tập quán; bệnh phẩm...).

Các bước tiến hành giám sát bao gồm: Thu thập thông tin; phân tích số liệu và đánh giá kết quả; nhận định tình hình bệnh truyền nhiễm; đề xuất biện pháp can thiệp; báo cáo. Trong đó, các hoạt động xử lý phòng, chống bệnh dịch/ổ dịch tùy theo từng bệnh hoặc hội chứng bệnh trên cơ sở kết quả điều tra bệnh dịch/ổ dịch, bao gồm các biện pháp như xử lý nguồn bệnh (thu dung, điều trị và quản lý các trường hợp mắc bệnh;cách ly y tế; điều trị người lành mang mầm bệnh truyền nhiễm; xử lý chất thải của người, động vật và các nguồn truyền nhiễm khác); xử lý đường truyền bệnh (thực hiện các biện pháp phòng chống trung gian truyền bệnh; vệ sinh môi trường, khử trùng tẩy uế khu vực có dịch); bảo vệ người lành (vệ sinh, trang bị bảo vệ cá nhân; bảo đảm an toàn thực phẩm; triển khai công tác tiêm chủng; thông tin, tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cộng đồng).

Thông tư cũng ban hành kèm theo Danh mục bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong, phải được cách ly y tế, là: Bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh sởi, bệnh than, bệnh do não mô cầu, bệnh tay chân miệng.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2013.

Các tin đã đưa ngày: