Thông tư số 19/2014/TT-BKHCN hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.">
Liên kết website

Hướng dẫn thực hiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

11/08/2014

Ngày 01/7/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 19/2014/TT-BKHCN hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

 

Theo Thông tư, việc xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm được tính theo công thức: Tổng giá trị sản phẩm hàng hóa vi phạm = số lượng sản phẩm, hàng hóa vi phạm phát hiện x giá sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm hành chính.

Việc xác định giá của sản phẩm, hàng hóa vi phạm dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên: (1) Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu; (2) Giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương, nếu không có thông báo thì theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm vi phạm; (3) Giá thành của sản phẩm, hàng hóa nếu còn lưu kho của cơ sở sản xuất và chưa xuất bán hoặc giá thị trường của sản phẩm, hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm vi phạm.

Thông tư quy định việc kết luận sai số của phương tiện đo và sai số của phép đo, chỉ bảo đảm tính pháp lý khi được thực hiện bởi một trong các tổ chức, cá nhân là: Kiểm định viên đo lường được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chứng nhận và cấp thẻ; Thanh tra viên Khoa học và Công nghệ; công chức thanh tra chuyên ngành Khoa học và Công nghệ; Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành Khoa học và Công nghệ; cơ quan quản lý nhà nước về đo lường.

Thông tư cũng quy định cụ thể về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường như: tổ chức, cá nhân sản xuất phương tiện đo nhưng không ghi, khắc đơn vị đo hoặc ghi, khắc đơn vị đo không theo đơn vị đo pháp định; sản xuất phương tiện đo có một hoặc nhiều chi tiết bị thay đổi so với hồ sơ của mẫu phương tiện đo nhóm 2 đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phê duyệt; tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo không bảo đảm đúng quy định quản lý kỹ thuật đo lường đối với từng loại phương tiện đo; phương tiện đo đang sử dụng có chứng chỉ kiểm định còn hiệu lực nhưng tổ chức, cá nhân sử dụng tự ý sửa chữa hoặc thay thế, lắp thêm, rút bớt chi tiết, thiết bị hoặc có tác động vào một hay nhiều chi tiết của phương tiện đo làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo…

Đối với hành vi giả mạo liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Thông tư quy định cụ thể 04 nhóm hành vi là: Thông tin trên nhãn hàng hóa không phù hợp với chất lượng thực tế của sản phẩm, hàng hóa; cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc cho cơ quan có thẩm quyền; sản phẩm, hàng hóa không thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy hoặc chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy nhưng trên giấy tờ giao dịch, biển hiệu của tổ chức, cá nhân, đại lý có thông tin đó nhằm lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng hiểu là sản phẩm, hàng hóa đó đã được công bố hợp chuẩn, hợp quy hoặc được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy…

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2014 và thay thế Thông tư số 24/2009/TT-BKHCN ngày 31/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 05/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm.

Các tin đã đưa ngày: