Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BYT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14 tháng 08 năm 2009 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT).">
Liên kết website

Hướng dẫn mới về việc thực hiện bảo hiểm y tế

14/08/2014

Ngày 14 tháng 7 năm 2014, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BYT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14 tháng 08 năm 2009 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT).

 

Thông tư đã sửa đổi và bổ sung một số nội dung về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, việc theo dõi, điều chỉnh và sử dụng quỹ định suất.

Cụ thể: Mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, ngoài 02 đối tượng theo quy định cũ (là Cựu chiến binh đã tham gia kháng chiến từ ngày 30/4/1975 trở về trước theo Khoản 6 Điều 5 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Cựu chiến binh; thanh niên xung phong theo Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg ngày 18/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng phí đối với thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp), Thông tư mới mở rộng thêm đối tượng là thanh niên xung phong được quy định tại Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài đối tượng quy định cũ tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung, sửa đổi Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg, Thông tư mới mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là người đã tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cămpuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/2014 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc là các đối tượng quy định tại Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010, Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Thông tư mới bổ sung quy định khám bệnh, chữa bệnh ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn việc ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với cơ sở quân y để phục vụ người bệnh có thẻ BHYT trong địa bàn.

Về việc theo dõi, điều chỉnh quỹ định suất, Thông tư mới quy định Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm thông báo cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có sự thay đổi về suất phí, nhóm đối tượng và số thẻ theo nhóm đối tượng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (quy định cũ là thông báo hàng quý). Việc sử dụng quỹ định suất khi có kết dư thì cơ sở y tế được hạch toán vào nguồn thu của đơn vị sự nghiệp. Nếu quỹ định suất bao gồm cả chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã thì đơn vị được giao ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh tại các Trạm y tế tuyến xã có trách nhiệm trích một phần kết dư cho các Trạm y tế tuyến xã theo số thẻ đăng ký tại từng trạm y tế. Số kết dư để lại không quá 20% quỹ định suất, phần còn lại chuyển vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh chung của tỉnh (quy định cũ là phần còn lại tính vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh năm sau của đơn vị).

Đặc biệt, Thông tư quy định mới về cấp thẻ BHYT đối với người đã hiến bộ phận cơ thể theo quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Theo đó, người đã hiến bộ phận cơ thể hoặc thân nhân mang theo Giấy ra viện do cơ sở y tế nơi lấy bộ phận cơ thể cấp (trên giấy ghi rõ bộ phận cơ thể đã hiến) đến Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú để được cấp thẻ BHYT lần đầu. Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm cấp thẻ những lần tiếp theo.

Thông tư cũng hướng dẫn trường hợp công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét, xử lý kỷ luật vẫn được hưởng 50% mức lương hiện hưởng theo ngạch bậc và được truy lĩnh 50% còn lại của mức lương hiện hưởng nếu không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan sai theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 và Điều 23 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ thì vẫn phải đóng bảo hiểm y tế theo mức tiền lương thực tế bằng 50% mức lương hiện hưởng theo ngạch bậc. Trường hợp không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan sai được truy lĩnh số tiền lương còn lại thì cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện truy thu số tiền đóng bảo hiểm y tế theo số tiền lương được truy lĩnh trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam hay tạm đình chỉ công tác.

Những thay đổi này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

Các tin đã đưa ngày: