Theo đó, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong tỉnh, góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
- Tiếp tục nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, do đó cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt công tác này. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và các thành viên của Hội đồng, của tổ chức pháp chế ngành trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế trong việc triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Có chính sách hỗ trợ để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật đối với Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người và các đối tượng thiệt thòi.
- Các cấp ủy đảng chỉ đạo ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm, tình hình và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, địa phương trong từng thời gian, tập trung hướng mạnh về cơ sở. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các ngành, các cấp; kiện toàn bộ máy chuyên trách làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức pháp chế ngành, tổ chức tham mưu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, các ngành, các đoàn thể. Rà soát, phân loại, đánh giá đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng thích hợp...
- Thể chế hoá kịp thời, đúng đắn và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng. Thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế hợp lý động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và địa phương; đầu tư kinh phí hợp lý cho công tác này.
- Tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông đại chúng. Xác định rõ nội dung, chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trong từng thời gian, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương; bảo đảm phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, tổ chức và địa phương. Thường xuyên kiểm tra, sơ kết, rút ra những kinh nghiệm tốt để phát huy, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót.
- Tích cực đổi mới, đa dạng hoá các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng và các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cơ quan, tổ chức và các địa phương; lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện các chương trình, các phong trào vận động quần chúng khác; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm điểm, phê bình, xử lý nghiêm khắc đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.
- Kết hợp chặt chẽ giữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tổ chức thi hành pháp luật; thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là những đối tượng vi phạm là cán bộ, đảng viên. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có chức năng tổ chức thi hành pháp luật và các cơ quan tư pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân.
NGỌC MINH – HẢI DƯƠNG