Liên kết website

Thực trạng và một số khó khăn, tồn tại trong việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

24/10/2016

Những năm qua, việc xây dựng hương ước, quy ước đã được triển khai tương đối toàn diện trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các làng, bản, thôn, cụm dân cư, tổ dân phố đã tổ chức biên soạn, xây dựng hương ước, quy ước. Nội dung của hương ước, quy ước đã tập trung vào một số vấn đề quan trọng như: các biện pháp, phương thức giúp người dân tham gia quản lý xã hội, tuân thủ nghiêm minh các quy định pháp luật; biện pháp bảo vệ tài sản nhà nước, tài sản công, bảo vệ môi trường; biện pháp bảo vệ thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; xây dựng gia đình văn hóa, đời sống văn hóa; các biện pháp khen thưởng, xử lý vi phạm. Trong nội dung các bản hương ước, quy ước đã lồng ghép các quy định tại Quyết định số 74/2013/QĐ-UBND ngày 15/3/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành quy định “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trình tự soạn thảo quy ước, hương ước tại các làng, thôn, bản, cụm dân cư, tổ dân phố được đảm bảo.

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư; Thông tư số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTWMTTQVN ngày 31/3/2000 của Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa-Thông tin; Ban thường trực Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư (Thông tư 03). Trong những năm 1999, 2000, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBMTTQ tỉnh đã phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương xây dựng hương ước, quy ước. Theo số liệu thống kê của các huyện, thành phố, trên địa bàn tỉnh hiện có 2495 thôn, làng, bản, tổ dân phố, cụm dân cư, đa số các thôn đều có hương ước, quy ước. Các bản hương ước, quy ước thường xuyên được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn. Các huyện, thành phố đã hướng dẫn, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai và xây dựng hương ước, quy ước đối với các thôn, bản, tổ dân phố. Hầu hết các hương ước, quy ước đã đưa các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở như: Quy định việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; thu chi các loại quỹ, các khoản đóng góp xây dựng hạ tầng, công trình phúc lợi hay chủ trương vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, chống các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan… góp phần xây dựng thôn, bản, tổ dân phố thực hiện nếp sống văn hóa. Nội dung Quy ước tại các thôn, bản, tổ dân phố đã bước đầu quy định rõ những việc nhân dân phải được biết và bàn như chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quy định việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; quyết toán thu chi các loại quỹ, các khoản đóng góp xây dựng hạ tầng, công trình phúc lợi hay chủ trương vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.... và thực hiện quy chế dân chủ vào xây dựng quy ước, hương ước về nếp sống văn hóa, được Nhân dân đồng tình ủng hộ.,....Quy ước còn quy định việc sống đoàn kết, hòa thuận, tương thân, tương ái giữa các dòng họ. Việc khuyến học, khuyến tài nhằm động viên khuyến khích học tập, nâng cao kiến thức văn hóa và chuyên môn nghiệp vụ, giúp đỡ, khuyến khích con em yên tâm học tập.... Trình tự xây dựng hương ước, quy ước tại một số địa phương đã được đảm bảo đúng trình tự theo Thông tư 03; theo đó, các huyện đã hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, đánh giá việc xây dựng hương ước, quy ước để không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục tốt đẹp của người dân tại từng cộng đồng dân cư. Một số thôn, bản, tổ dân phố đã thành lập Ban soạn thảo gồm: Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận và một số người có uy tín và kinh nghiệm sống, có trình độ văn hóa, hiểu biết về pháp luật và phong tục tập quán ở địa phương. Công tác tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Hương ước, quy ước gửi đến UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và các đoàn thể Nhân dân ở xã, thị trấn để xem xét và trình UBND huyện phê duyệt. Sau khi hương ước, quy ước đã được Chủ tịch phê duyệt, các thôn, bản, tổ dân phố đã tổ chức triển khai đến nhân dân thông qua các hình thức như thông báo tại các cuộc họp thôn, niêm yết tại nhà văn hóa thôn, khu phố, một số nơi còn phô tô, in sao tới từng hộ gia đình để thực hiện. Cùng với đó, UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, khu phố để Nhân dân biết thực hiện. Hàng năm, vào ngày 18/11 các thôn, bản, tổ dân phố tiến hành xem xét, đánh giá việc thực hiện hương ước, quy ước của nhân dân, kịp thời biểu dương những gia đình, cá nhân gương mẫu thực hiện hương ước, quy ước, đồng thời phê phán những hộ gia đình, cá nhân không nghiêm túc chấp hành hương ước, quy ước đã được nhân dân thông qua.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước vẫn còn một số khó khăn, tồn tại đó là:
- Một số UBND cấp xã chưa sát sao quan tâm tới việc lãnh đạo, chỉ đạo ban hành kế hoạch xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương. Hằng năm, công tác kiểm tra, đánh giá quá trình xây dựng và thực hiện còn hạn chế, vẫn chủ yếu thông qua tổng kết  phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”. Việc tập huấn nghiệp vụ về xây dựng hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh còn hạn chế nên chưa có hướng dẫn kịp thời trong quá trình thực hiện. Trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Chưa có chính sách hỗ trợ kinh phí cho việc xây dựng quy ước, hương ước và công tác quản lý nhà nước về hương ước, quy ước.
- Mặc dù hương ước, quy ước được xây dựng ở hầu hết các thôn, bản, tổ dân phố nhưng chất lượng nội dung của các bản hương ước, quy ước vẫn còn nhiều hạn chế. Việc xây dựng hương ước, quy ước còn mang tính hình thức, nội dung sơ sài, rập khuôn, sao chép. Nhiều địa phương hương ước, quy ước chưa mang tính đặc thù, chưa sát với điều kiện, đặc điểm của từng thôn, bản, tổ dân phố do đó gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện. Một số địa phương đưa nội dung chung chung, có địa phương chưa đưa được những quy định cần thiết, cụ thể trong đời sống hàng ngày vào hương ước, quy ước. Một số bản hương ước, quy ước còn có nội dung trái với quy định của pháp luật như quy định xử phạt bằng tiền. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế nội dung hương ước, quy ước tiến hành còn chậm, một số quy định của hương ước, quy ước không còn phù hợp với các văn bản pháp luật mới ban hành. Hình thức của hương ước, quy ước còn chưa phù hợp với các quy định tại thông tư 03 như: Một số bản hương ước, quy ước còn nhầm lẫn về tên gọi, đối tượng điều chỉnh, chưa có chữ ký của trưởng thôn, bí thư và trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư; chưa đóng dấu giáp lai; việc trình bày, sắp xếp nội dung còn lủng củng, không rõ ràng, mạch lạc, ngôn ngữ sử dụng chưa phù hợp, khó hiểu.
- Về trình tự, thủ tục xây dựng và phê duyệt hương ước, quy ước ở một số thôn bản, tổ dân phố chưa nghiêm túc như không tổ chức lấy ý kiến nhân dân, hộ gia đình hoặc việc lấy ý kiến còn mang tính hình thức, chưa tổng hợp được các ý kiến của nhân dân, chưa ghi biên bản thông qua hội nghị lấy ý kiến của nhân dân, cơ quan, tổ chức. Có nơi, UBND xã, phường, thị trấn chưa có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phê duyệt hương ước, quy ước. Việc xây dựng hương ước, quy ước chưa được thực hiện triệt để, nhiều địa phương còn chưa chỉ đạo các thôn, bản, tổ dân phố xây dựng được hương ước, quy ước. Công tác phối hợp trong thực hiện việc hướng dẫn, triển khai, thẩm định, tham mưu của các cơ quan chuyên môn cho UBND huyện còn hạn chế. Thời hạn phê duyệt hương ước, quy ước còn kéo dài, hình thức thực hiện phê duyệt còn chưa đúng quy định như: thực hiện xác nhận quy ước, hương ước; thẩm quyền phê duyệt còn chưa chính xác, một số huyện không ban hành Quyết định phê duyệt hương ước, quy ước, không đóng dấu giáp lai các trang của hương ước, quy ước mà chỉ xác nhận vào bản hương ước, quy ước.
- Công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân còn hạn chế. Việc niêm yết công khai hương ước, quy ước chưa được thực hiện đồng bộ tại các làng, thôn, bản, cụm dân cư, tổ dân phố, do đó, một số hộ gia đình chưa nắm bắt được các quy định, thực hiện còn chưa đúng. Hàng năm, việc tổ chức kiểm điểm, đánh giá thực hiện hương ước, quy ước của nhân dân tại địa phương còn chưa chặt chẽ, chưa đánh giá được những mặt tích cực, hạn chế trong quá trình thực hiện. Các hình thức khen thưởng, xử lý vi phạm còn chưa phù hợp, chưa đẩy mạnh được việc thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường.
            Để tổ chức thực hiện có hiệu quả hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ, chúng ta cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp về việc xây dựng, duy trì và thực hiện hương ước, quy ước; quan tâm rà soát toàn diện công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế những hương ước, quy ước vi phạm pháp luật, trái với đạo đức, truyền thống và thuần phong mỹ tục, bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến, thống nhất, đồng bộ và phát huy vài trò của hương ước, quy ước trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư. Tập trung thẩm định lại hương ước, quy ước trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; UBND cấp huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tích cực phối hợp, huy động, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia giám sát, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện hương ước, quy ước gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh". Đẩy mạnh việc tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch, công chức Văn hóa - Xã hội, công chức của các cơ quan tiếp nhận và thẩm định hương ước, quy ước; bố trí kinh phí phù hợp cho các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, triển khai công tác quản lý, thẩm định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm các vi phạm trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, đặc biệt là những hương ước, quy ước có dấu hiệu xâm phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm cho hương ước, quy ước phát huy vai trò là công cụ tự quản của cộng đồng dân cư, góp phần hỗ trợ pháp luật trong điều chỉnh các mối quan hệ nội bộ của cộng đồng dân cư trước yêu cầu thực tiễn hiện nay về quản lý xã hội và thực thi pháp luật./.
Phạm Tĩnh
Các tin đã đưa ngày: