Liên kết website

Ngành Tư pháp Bắc Giang với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng

24/10/2016

Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), những năm qua, Sở Tư pháp đã tập trung triển khai nhiều nội dung, hình thức PBGDPL về phòng, chống tham nhũng và thu được những kết quả tích cực, đặc biệt phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật- Sở Tư pháp đã được tặng thưởng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh sau 10 năm tổng kết thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.

Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2927/KH-UBND ngày 14/12/2011 về việc triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 15/4/2014 tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2014; Tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành Công văn số 554/HĐPH ngày 19/5/2015 hướng dẫn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2015. Hàng năm, Sở đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch chuyên đề PBGDPL về phòng, chống tham nhũng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật khác liên quan đến đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp; thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020, chương trình hành động của Chính phủ về PCTN, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, … Hình thức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng đa dạng, phong phú; ngành tư pháp đã xây dựng mô hình điểm phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, xã Đồng Tâm huyện Yên Thế, xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, Phòng Công chứng số 01 - Sở Tư pháp, tại những địa phương, đơn vị được chọn làm điểm nhân dân và người dân đến liên hệ giải quyết công việc đã nắm được những quy định pháp luật cơ bản về phòng, chống tham nhũng, từ đó kịp thời phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng đến với các cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh thực hiện 24 chuyên mục "Pháp luật với cuộc sống" (mỗi tháng phát 02 số), trong đó có 04 chuyên mục về phòng, chống tham nhũng; phối hợp với Báo Bắc Giang duy trì việc xây dựng chuyên trang tư pháp, mỗi năm 06 số, trong đó có nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và có nội dung giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Sở duy trì và hoạt động có hiệu quả Trang thông tin điện tử, trên trang này thường xuyên đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, công khai thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực tư pháp; kịp thời đăng tải các tin, bài, ảnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Hàng tháng phát hành Bản tin tư pháp, trong các số của bản tin đều đăng tải các tin, bài, ảnh có liên quan đến công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng. Công tác biên soạn tài liệu PBGDPL được đẩy mạnh, Sở Tư pháp đã chủ động lựa chọn những nội dung sát với nhu cầu thực tế, hình thức biên soạn tài liệu phù hợp nhằm truyền tải những thông tin, kiến thức pháp luật cần thiết đến với các tầng lớp nhân dân, biên soạn và phát hành trên 7.000 tài liệu về các nội dung pháp luật dành cho doanh nghiệp, 300 cuốn sổ tay Báo cáo viên pháp luật, 1.500 cuốn Sổ tay hòa giải ở cơ sở, 1.000 cuốn Hỏi đáp về Hiến pháp, 1.500 cuốn Hỏi- đáp về Luật đất đai, 1.500 cuốn Tình huống hòa giải ở cơ sở; 5.000 cuốn hỏi đáp và hướng dẫn nghiệp vụ bầu cử, 30.000 tờ rơi tuyên truyền về bầu cử, phát hành đến các thôn bản cuốn tài liệu "Tìm hiểu quy định về thực hiện nếp sống văn hóa và đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội", cung cấp cho các xã, phường, thị trấn các tài liệu "Hỏi- đáp một số quy định vệ tội phạm và hình phạt trong Bộ Luật hình sự năm 2015", "Hỏi- đáp một số quy định liên quan đến cá nhân trong Bộ luật dân sự năm 2015", "Hỏi đáp Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015",…phát hành 45.000 tờ gấp về Ngày pháp luật, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, về hoạt động trợ giúp pháp lý;  biên soạn và phát hành 2.000 cuốn tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình, 300 cuốn tài liệu sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, 1500 cuốn xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, 1.000 cuốn hỏi đáp pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, 500 cuốn hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước cấp phát tài liệu cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn Sở Tư pháp đã đặt mua sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng cấp cho 230 xã, phường, thị trấn; trung chuyển tài liệu tuyên truyền pháp luât về phòng, chống tham nhũng của Bộ Tư pháp đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh,… Tích cực trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho nhân dân và cán bộ ở khu vực nông thôn, miền núi lồng nghép với việc phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Trung bình mỗi năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp đã tổ chức hơn 100 đợt TGPL lưu động lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật cho nhân dân, hướng dẫn nhân dân kịp thời phản ánh, kiến nghị những việc làm trái quy định của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với đó, hoạt động PBGDPL trực tiếp thông qua các hội nghị, các lớp bồi dưỡng được tổ chức rộng khắp, đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Năm 2015, Sở Tư pháp tổ chức trên 50 hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật, hội nghị, hội thảo, tọa đàm cho hàng nghìn cán bộ và nhân dân, trong các hội nghị, hội thảo tuyên truyền đều lồng ghép phổ biến quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật được đẩy mạnh, 01 cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên phạm vi toàn tỉnh, 01 cuộc thi Hòa giải viên giỏi và 03 cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng" tại Yên Thế, thành phố Bắc Giang, Lạng Giang trong các cuộc thi đều chú trọng đề ra các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để ngăn chặn hoạt động tham nhũng trên địa bàn. Các văn bản chỉa đạo được ban hành đầy đủ, kịp thời góp phần định hướng cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong việc thực hiện công tác PBGDPL về phòng, chống tham nhũng; công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan chức năng đã được thực hiện chặt chẽ hơn, nhất là trong phối hợp tổ chức các đợt tuyên truyền pháp luật cao điểm; hình thức tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng đã có nhiều cải tiến, sáng tạo, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia.
Tuy nhiên, công tác PBGDPL về phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, đơn vị chưa có sự tập trung chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể. Hoạt động PBGDPL về lĩnh vực này chưa được duy trì thường xuyên, chưa làm chuyển biến mạnh mẽ ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống tham nhũng. Kinh phí dành cho công tác PBGDPL về phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, một số địa phương chưa chủ động phân bổ kinh phí cho công tác này. Tình trạng tham nhũng vẫn xảy ra ở một số địa phương, đối tượng dễ vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng thường là những người giữ vị trí, vai trò nhất định trong các cơ quan, đơn vị, do vậy rất khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động. Những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ việc cấp ủy, chính quyền một số nơi nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác PBGDPL về phòng, chống tham nhũng; chưa thường xuyên quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, đầu tư kinh phí cho việc triển khai thực hiện; công tác tuyên truyền cho nhân dân tố giác, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng chưa thực sự đi vào chiều sâu, một bộ phận không nhỏ người dân còn chưa nhận thức đầy đủ về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng.
Để cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao, thiết nghĩ cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, phát huy hiệu quả vai trò tư vấn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện trong việc đề xuất trách nhiệm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng đến với các tầng lớp nhân dân; quan tâm xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp, không ngừng củng cố và nâng cao chất nguồn nhân lực tham gia tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Quan tâm hỗ trợ kinh phí cho công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện./.
Phạm Tĩnh.
Các tin đã đưa ngày: